Thứ Tư, 24 tháng 11, 2010

Trăm năm cô đơn

Tới thích và phục ông này: Gabriel Garcia Márquez – nhà văn viết bằng tiếng Tây Ban Nha vĩ đại nhất, người đã đạt giải Nobel văn chương vào năm 1982 – luôn được nhiều người ngưỡng mộ. Ông có một cá tính độc đáo, một văn tài có một không hai, có lẽ là nhà văn nổi tiếng nhất hiện tại. 
Tớ biết ông này đã khá lâu, đâu từ những năm cuối của thế kỷ 20 cơ [nói cho dữ dằn vậy thôi, chứ đó là những năm 9 mấy đó bạn]. Được biết, ông có hai cuốn tiểu thuyết đã trở thành “kinh điển” gây xúc động cho bao thế hệ độc giả, đó là “Trăm năm cô đơn” và “Tình yêu thời thổ tả”.
Tuy thế tớ cứ chần chừ, vì nhìn độ dày hai cuốn này là ngán. Cách đây vài tuần quyết tâm đọc văn ông này, xem nó vĩ đại tới cỡ nào, thế là khuân “Trăm năm cô đơn”, Tình yêu thời thổ tả về nhà với mục đích “xóa mù” Marquez. 

Thứ Ba, 16 tháng 11, 2010

Murakami & Akio Morita

Mấy nay thời tiết Sài Gòn rất tuyệt. Buổi sáng trời dịu, ban ngày mát mẻ, chiều tối thỉnh thoảng lại bồi vài cơn mưa mát lạnh. Đêm đến lành lạnh; nằm ngủ phải đắp chăn. 
Thời tiết thế này ăn tốt, ngủ tốt, hút tốt, chích tốt, và…viết cũng tốt.
Hehe.

***

Khoảng giữa đến cuối thế kỷ 19, Nhật Bản và Việt Nam vẫn chìm đắm trong “không gian phong kiến”, “không khí văn hóa Trung Hoa”. Giới trí thức hai nước đã xuất hiện những mầm mống tư tưởng cách tân. Ở Việt Nam có Nguyễn Trường Tộ, ở Nhật Bản có Fukuzawa Yukichi (Phúc-Trạch Dụ-Cát).

Thứ Hai, 15 tháng 11, 2010

Một "xen" hấp dẫn

Chúng ta đồng ý với nhau rằng: thỉnh thoảng trong cuộc sống chúng ta thường mắc bệnh nghề nghiệp. Nghĩa là thường hay nhìn nhận mọi vấn đề theo con mắt chuyên môn mà chúng ta được đào tạo.
 
Ví như: người bác sỹ nhìn đâu cũng thấy vi trùng; nhà báo thấy đâu cũng tiêu cực; nhà văn thấy đâu cũng hình tượng nhân vật; người kế toán nhìn đâu cũng thấy đầy con số; người làm IT thì thường hay nghĩ về “nếu”, “thì”…

Đại loại thế.

Nghề nghiệp tôi là cảnh sát; nhưng hơi đặc biệt tí, tôi được đào tạo chuyên môn “tâm lý tội phạm”.

Phải nói trước như vậy, để lý giải một điều là: mọi sự vật, hiện tượng trong đời sống diễn ra xung quanh đều không thoát khỏi cặp mắt quan sát tinh tế, và những lý giải mang tính logic của tôi.

Vào một buổi tối, hơi mưa lạnh, trên một đoạn đường ở đâu không rõ, vắng bóng người , có một cô gái bước chậm, nặng nề trông vô cùng bất đắc dĩ. Cô gái ấy đang gặp một điều gì đau khổ trong cuộc sống. Tình duyên? Công việc? Gia đình? Tôi chưa biết, vì chưa đủ dữ kiện để có thể mang lại một kết luận khả dĩ có thể tin tưởng.

Thứ Sáu, 12 tháng 11, 2010

Đài hoa hồng (2)

IV.

Những ảnh hưởng xã hội của nền nhạc rock n roll mang tầm cỡ thế giới và mang tính bao quát. Không đơn giản chỉ là một thể loại nhạc, rock n roll ảnh hưởng tới phong cách sống, thời trang, thái độ, và cả ngôn ngữ. Ngoài ra, nó còn đóng vai trò quan trọng trong việc giảm thiểu các cuộc chiến tranh nội chiến bởi cả người Mỹ gốc Phi và các thanh niên Mỹ da trắng đều thích thể loại nhạc này.
(Wikipedia)

Sáng thứ hai, trời bỗng nhiên đổ mưa. Cơn mưa đầu mùa làm dịu bớt không khí nóng nực mùa hè. Khi tôi đang êm đềm trong giấc ngủ, trời nổi con giông, khiến tôi giật mình choàng tỉnh.  Cơn mưa kéo theo khí lạnh, khiến tôi phải lấy chăn đắp lên mình,  nằm nghe những giọt mưa sột soạt. Chẳng suy nghĩ bất cứ điều gì,  và tôi lại chìm vào giấc ngủ lúc nào không hay.

Tôi thức dậy 6h sáng, xỏ giày, đi xuống công viên gần khu chung cư chạy đôi vòng. Trên những cây me, rặng dâm bụt, vạt cỏ vẫn còn vương lại những giọt mưa. Một vài ổ gà nước hãy còn lênh láng. Mưa đã tạnh nhưng trời vẫn hãy còn mây đen. Bầu trời nhuốm một màu đen nhạt.

Tôi lái con Honda lắt léo trên những con đường, ngã rẻ quen thuộc, như một nếp thường lệ đã in sâu vào tiềm thức. Thậm chí tôi không cần có ý thức, thì đã sẵn một lộ trình. Tuần mới, ngày mới, được tô vẽ thêm điều đặc biệt: những cơn mưa đầu mùa làm lòng người ấm lại vẫn không làm tôi ấm lên, hoặc thêm một chút nào mới mẻ. Tôi vẫn bắt đầu một ngày, một tuần, với những hành động quen thuộc, mà vẫn tôi vẫn không chắc chắn là mang đến cảm hứng hay là một nếp mòn buồn tẻ. Buổi sáng thứ hai tiếp diễn như trước đây vốn nó vẫn thế; vã chăng lại làm chắc chắn hơn tình trạng chưa bao giờ thấy điều gì là thực sự quan trọng của tôi.

Tôi chợt nhớ đến bài Monday Morning, tôi lục lại, tìm trong ký ức một đoạn nhạc dạo trong trẻo, cùng giọng hát ngọt ngào cô ca sỹ MARIA MENA

Thứ Tư, 10 tháng 11, 2010

Đài hoa hồng (1)

P/S: Truyện này có một vài chi tiết thực tế, nhưng không phải là tất cả. Mong bà con đừng suy diễn nhé.
I.

Đồng hồ chỉ 3 giờ khi trời đổ về chiều. Tôi uể oải thức dậy sau giấc ngủ trưa không lấy gì làm thoải mái lắm . Cái oi giữa trưa tháng bảy như ngưng hết hơi nóng vào đây, nơi có căn hộ tại một chung cư cũ kỹ tôi đã sống từ cách đây hơn hai năm. Đang ngủ, tôi cảm giác hình như có một bàn tay vô hình nắm lấy toàn thân. Nặng nề, nghẹt thở. Tôi cố vùng vẫy, hai lần, rồi lại cố hết sức bình sinh choàng tỉnh dậy. Cảm thức mơ hồ huyền ảo như bị chặn lại, tôi mở mắt nhìn lên trần, đảo mắt nhìn xung quanh. Một chiếc vô tuyến đầu giường, một tủ sách, một bàn viết, một cái cửa sổ nhìn ra cái giếng trời của khu chung cư. Mọi thứ thân thuộc, êm đềm, nguyên vẹn kéo tôi lại thực tại.

Nóng nực. Tôi ra khỏi giường, lại tủ lạnh tìm một lon bia, hớt một ngụm rồi đi ra lan can hóng mát. Ngoài trời,  nắng cô động một chất lỏng đặc sánh. Một vài làn nhỏ yếu ớt tìm đến làm dịu bớt chút oi nồng. Tôi đảo mắt nhìn quanh, hai ba căn nhà chung cư 3-4 từng vẫn im lìm trong nắng. Không gian tĩnh mịch, văng vẳng đâu đó nhà ai đang mở Bon Jovi với bài These days.

“Một người đàn ông già, cô đơn thu mình dưới một gốc đường vắng trong đêm lạnh”

Tôi lại nhìn vào căn hộ vắng của mình. Không một bóng người, chợt thấy mình cô độc như người đàn ông trong These days mà Bon Jovi hay ngâm nga.

Thứ Sáu, 5 tháng 11, 2010

Gió Phương Nam

Ps: Truyện ngắn này nhẹ nhàng và cảm động. Khá hay.  Thời gian trôi đi. Bạn nói bao điều, bạn sầu muộn và bạn nghĩ mình đến chết đi được vì chúng, rồi một vài năm sau, đó chỉ còn là một kỷ niệm.
Gió Phương Nam
Le Clézio (Nobel văn học 2008)
Tôi không còn nhớ rõ ngày tôi gặp Maramu lần đầu tiên. Tôi vừa bước ra khỏi tuổi thơ, còn cô, cô đã là một phụ nữ. Cô tên là Jehanne, nhưng người ta gọi cô bằng cái tên maohi(1) của cô, Maramu, Gió Phương Nam.
Hồi đó cha và tôi sống trong căn nhà bên bờ biển, ở Punaauia. Ông làm bác sĩ tại bệnh viện Mamao. Cha ly thân với mẹ khi tôi lên chừng sáu hay bảy tuổi. Kỷ niệm tôi còn lưu giữ là tiếng cười, là giọng nói khẽ ngân nga của bà. Chính vì bà mà cha tôi đã đến đây lập cư, thế rồi bà bỏ ông để đi theo một ông người Mỹ đến Los Angeles. Cha bảo mẹ bỏ đi là vì cha không còn làm mẹ vui cười nữa. Ông dẹp bỏ tất cả những gì có thể nhắc ông nhớ về mẹ, những bức thư, những tấm hình, kể cả những món đồ mỹ nghệ bà mua. Dẫu vậy, một hôm tôi tìm thấy một bức ảnh cũ, chụp hồi họ mới cưới nhau. Hai người đứng trên boong một con phà, giữa những người khác. Bên ông, trông bà bé nhỏ và mảnh khảnh, với khuôn mặt Á Đông và mái tóc màu đồng. Tôi đã giữ bức ảnh trong phòng mình, bỏ vào một chiếc hộp bí mật mà tôi dùng để đựng những thứ quan trọng. Rồi cuối cùng tôi quên bẵng nó đi.

Maramu là con người kỳ lạ nhất mà tôi từng biết. Cô có thể bất chợt vào nhà chúng tôi, như một nữ thần với làn da sẫm, khuôn mặt thơ trẻ, đôi mắt hiền từ và cách xa nhau, và khi cái nhìn của cô trở nên mệt mỏi, con mắt trái lảo đảo khiến cô nhuốm vẻ thẫn thờ. Đặc biệt nhất là cô có mái tóc đẹp tuyệt trần, bồng bềnh và đen nhánh, nó trùm lấy người cô và buông ngang hông như một món đồ trang sức hoang dã.

Thứ Ba, 2 tháng 11, 2010

Tin tức về một vụ kẹt xe

Cách đây 2 năm, đường phố SG đầy lô cốt, mình nghĩ đến một viễn cảnh như câu chuyện này. Hóa ra bây giờ đã thành sự thật: một người dân đã kiện cái lô cốt!

“Nhiều người biết kẹt xe có tác hại nghiêm trọng thế nào, nhưng ít ai biết nó có một tác dụng to lớn là…làm chậm nhịp sống xã hội vốn quá gấp gáp!”
 
(Mạn phép NV Gabriel Garcia Marquez được nhại tựa đề tác phẩm nổi tiếng của ông đặt cho entry này)

Ngày 15.10, Toà án nhân dân thành phố H. thụ án một vụ kiện hi hữu trong lịch sử ngành tư pháp nước nhà: lần đầu tiên một nhóm công dân kiện một vật thể vô tri vô giác: cái lô cốt!

Theo cáo trạng: Hồi 8h15, ngày 14.10, tại km số 000 đường Khắp Nơi, kề lô cốt A, cách SVĐ bóng đá “Công viên các lô cốt” 20m, phố H. xảy ra một vụ kẹt xe nghiêm trọng, kéo dài 3h liền, gây thiệt hại không kể xiết. Dân tình xôn xao. Nhóm công dân X đệ đơn kiện lô cốt Y. Toà án bối rối. Do sức ép mãnh liệt của công luận, miễn cưỡng thụ lý.

Thứ Sáu, 29 tháng 10, 2010

Điều bất ngờ

Cuối tuần post truyện vui này thư giãn. Chúc các bạn một kỳ nghỉ cuối tuần thật vui.
“Thoạt tiên, chú sẽ ngồi hơi xa ta một chút, như vậy vậy đó, nằm vậy đó trong cỏ. Như vậy đó. Ta sẽ đưa đôi con mắt tròn mà liếc nhìn chú, và chú sẽ không nói một tiếng nào. Ngôn ngữ vốn là cội nguồn của ngộ nhận…”
“Nhưng, mỗi ngày mỗi qua, thì chú mỗi có thể ngồi xích lại mỗi gần ta hơn mỗi chút...”
“Tình bạn là bạn hẹn ta lúc bốn giờ chiều, thì khởi từ lúc ba giờ chiều, cõi lòng ta đã bắt đầu sung sướng”
(Hoàng Tử Bé)
Hình chỉ mang tính minh họa
Trước tiên, tôi buộc phải nói ngay với các bạn rằng: tôi là một gã trai chưa có vợ, kéo theo là chưa có gia đình.

Tại sao vậy? Là vì tôi để ý thấy, tiếp xúc với với bất kỳ ai, họ cũng hỏi tôi một lâu là: anh có vợ chưa? Họ luôn nhìn tôi với một thái độ, nói thế nào nhỉ, kinh ngạc xen lẫn chút thương hại, khi nghe tôi trả lời là “chưa”.

Họ làm như, việc cước vợ lập gia đình là điều gì đó quan trọng nhất trên đời, mọi thứ khác đều là thứ yếu. Và thế là bất kể tôi đạt được nhiều thành công trong cuộc sống, trong mắt họ tôi vẫn là một kẻ đáng thương. Nhưng, thâm tâm tôi cho điều đó rất bình thường, dù gì tôi cũng chưa đến ba mươi!

Thứ Bảy, 23 tháng 10, 2010

Vài suy nghĩ khi xem Cánh đồng bất tận - Đường Sơn đại địa chấn

Phim Cánh đồng bất tận với những cảnh quay sông nước đồng
ruộng miền Tây rất đẹp
Cánh đồng bất tận (CĐBT) - truyện vừa của nhà văn Nguyễn Ngọc Tư -  được rất nhiều người ưa thích. Câu chuyện đời của gia đình ông Võ và cô gái điếm Sương, trên bối cảnh sông nước mênh mông với những cánh đồng bất tận miền Tây khiến người đọc xúc động mạnh đã để lại những dư âm ám ảnh. Cuộc sống sông nước của người miền Tây được thể hiện thật buồn, thật ảm đạm, những hoàn cảnh đau thương khiến người đọc ngỡ ngàng vì tính chất quyết liệt trong thể hiện hiện thực của tác giả.

Đạo diễn Nguyễn Phan Quang Bình đã đưa tác phẩm  này lên màn ảnh rộng với những diễn viên nổi tiếng: Dustin Nguyễn,  Đỗ Hải Yến, Tăng Thanh Hà...khiến khán giả yêu điện ảnh háo hức đón chờ. Thật tình tớ cũng ít đọc Nguyễn Ngọc Tư nhưng rất thích CĐBT, vì đây là một tác phẩm gần như hoàn mỹ, nếu xét về mặt nghệ thuât văn học lẫn những tư tưởng (tạm gọi là thế).


Tớ chủ ý chọn xem "Đường Sơn đại địa chấn" (ĐSĐĐC ) - một siêu phẩm của điện ảnh Trung Quốc của đạo diễn nổi tiếng Phùng Tiểu Cương - trước ngày công chiếu CĐBT cũng như là một trải nghiệm để làm một phép so sánh, dù có phần khập khiễng giữa phim truyện Việt Nam và phim truyện Trung Quốc - vốn đã quá nổi tiếng trên trường quốc tế.

Phim Đường Sơn đại địa chấn của Phùng Tiểu Cương 






Câu chuyện động đất, và những dư chấn của nó tại Trung Quốc xa xôi tác động đến người Đường Sơn - khiến người xem xúc động, rơi lệ. CĐBT cũng xúc động không kém. Cũng lấy đi nước mắt của không biết bao khán giả và đọng lại trong tâm tưởng họ những dư vị không thể quên. Nếu ĐSĐĐC xúc động chính bởi vì câu chuyện mất mát tình thân, những dằn vặt đớn đau  không thể lành lặn của con người vốn nhỏ bé trước thiên nhiên sau thiên tai, thì CĐBT lại mô tả những số phận nhỏ bé, đáng thương, những cuộc gặp gỡ giữa những con người đáng thương đó giữa những cánh đồng hoang vu, rộng lớn của miền Tây. Họ âm thầm buồn tẻ, sống dằn vặt bởi những lỗi lầm, họ không chịu cởi mở cuối cùng chịu một kết cục buồn thảm.

Xét ra, những người làm phim CĐBT đã thành công, không thua kém đoàn làm phim của đạo diễn Phùng Tiểu Cương bao nhiêu. Nếu câu chuyện ĐSĐĐC mang tính phổ quát, thì câu chuyện trên những cánh đồng cũng thể hiện những cái nhìn ấm áp thấu hiểu trước những số phận hẩm hiu, bất hạnh. Cả hai là những tiếng lòng cảm thông san sẻ của những con người với nhau.

Không đồ sộ , hoành tráng như ĐSĐĐC, CĐBT cuốn hút người xem bởi những cảnh quay cảnh vật miền Tây rất đẹp. Nền âm nhạc thể hiện được cái u buồn da diết thường xuất hiện từ đâu trong tận đáy sâu của người ta khi phải ngồi trên một chiếc ghe lênh đênh trên những con rạch, con kinh, con sông đỏ ngầu phù sa. Những cánh đồng xen lẫn tiếp nối, không biết mang chúng ta về đâu như sự mong manh không lối thoát của những số phận đáng thương trong phim.

Phim này các diễn viên đều tròn vai. Dustin Nguyễn thể hiện được cái lầm lỳ, cộc cằn, buông xuôi, hận đời, hận tất cả vì gặp một sự đả kích quá lớn: người vợ mà ông hết mực yêu thương đã từ bỏ ông và những đứa con ra đi. Nhưng có lẽ tận sâu trong trái tim ông cũng muốn sống yên bình bên những đứa con, nuôi chúng lên người, càng định hình rõ bởi sự xuất hiện của cô gái Sương. Nhưng nỗi đau quá lớn, ông chẳng đủ dũng cảm để quên hết và sống gần gũi hơn với các con. Nỗi bất hạnh của con ông như gánh hết tội lỗi của ông.

Đỗ Hải Yến thể hiện rất đạt cô gái điếm phóng túng, nhưng cũng đầy tình người, và đầy lòng tự trọng. Cảnh cuối vì lời nói xúc phạm của ông Võ mà Sương từ giã bố con họ đi Đỗ Hải Yến diễn rất đạt. Một tâm trạng bâng khuâng, không đành lòng nhưng rút cuộc cũng phải cất bước. Lan Ngọc (vai Nương) thể hiện đạt người con gái bất hạnh của ông Võ cũng là người dẫn phim luôn mang mác buồn với suy tư vì sự mất mát, đau khổ đến với cuộc đời cô khi cô còn quá trẻ...

ĐSĐĐC chưa thể xem là một phim nghệ thuật. Câu chuyện xúc động, diễn viên tốt, nhưng cách thể hiện câu chuyện quá đơn giản. Có lẽ, đạo diễn Phùng Tiểu Cương đã sử dụng cách kể chuyện thật truyền thống. CĐBT cũng không có đột phá mới trong cách thể hiện: câu chuyện vẫn diễn ra xuôi chiều, ít những chi tiết hình ảnh mang tính điện ảnh đắt giá. Hai bộ phim gặp nhau ở một điểm, các đạo diễn đã cố gắng kể lại câu chuyện một cách gần gũi, dễ  hiểu và gây xúc động nhất. Theo tớ, câu chuyện CĐBT vẫn cô động, và sâu sắc hơn ĐSĐĐC cả trong nội dung lẫn cách thể hiện ngôn ngữ điện ảnh

Xem ra, Điện ảnh Việt Nam chắc chắn có khả năng làm những bộ phim chất lượng. Chúng ta có bề dày văn hóa, truyền thống phong phú, chúng ta có những câu chuyện hay mang chất điện ảnh, và cũng có những diễn viên, đạo diễn tốt. Cái thiếu, có lẽ là một cú hích lớn, và một sự vững chãi, một tự tin từ những người trong nghề.

Thứ Năm, 21 tháng 10, 2010

Hoa hồng có gai

Người ta cứ bảo hoa hồng thường có gai, nhưng họ đâu biết rằng, vô vàn loại hoa khác cũng có gai đấy thôi...

PS: Hình chỉ mang tính minh họa
Bạn đi Hà Nội, bảo mua cho mình một bó hoa Hồng có gai làm quà. Thích quá. Tự sướng thế, chứ thực ra mình “gợi ý” bạn mua, chứ làm gì có quà cáp ở đây. Hehe. Chiều chủ nhật, sẽ lọ mọ chạy ra sân bay, tiếng là sẽ “đi đón” nhưng thực chất để là lấy quà…Hihi.

Hoa hồng "có gai", thực ra cũng là một loại hoa nằm trong Bộ Hoa hồng (danh pháp khoa học: Rosales). Từ “có gai” là mình đặt thêm. Loại hoa hồng này sống được ở miền Trung, miền Bắc (lạ là không thấy ở miền Nam - nó chỉ sóng ở nơi khô cằn, thời tiếc khắc nghiệt). Thân nhỏ, rất dai, nhiều gai nhỏ, nhọn. Cũng đủ màu: đỏ, trắng, nhưng không được tươi lắm. So với hoa Hồng ở miền Nam, nó như một loại hoa quê mùa, bởi vẻ ngoài xù xì gai góc.

Mình thích nó, vì nó rắn chắc, dân dã, có thể cắm lâu mà không héo (không như loại hoa hồng yểu điệu ở miền Nam, không có nước là chết tươi chỉ sau vài giờ). Lúc ra Hà Nội, mình thường hay mua nó ở trên phố cổ. Hàng bán rong từ sáng sớm đã chở đầy chiếc xe đạp cũ kỹ. Khoảng bảy giờ, tha thẩn quanh phố và mua một bó về cắm phòng, lâu lâu nhìn lên trông thích mắt và thú vị.

Đã hoa hồng thì hoa nào chẳng có gai. Hehe. Mọi người thường ví các cô gái đẹp như những bông hoa hồng: đẹp, chóng tàn, và đặc biệt là “có gai”, ý nói là thường hay kiêu, hợm, có khi là ác lai, nhưng lại chóng xuống sắc, như thời thanh sắc mau qua đi. Như thế thì oan cho các cô gái đẹp quá, sao người ta không thấy có nhiều loại hoa khác cũng có gai mà không đẹp đi, sao cứ bảo chỉ mỗi hoa hồng?

Viêt linh tinh (1)

Thế giới chia thành hai nửa: nửa của những người đạt được ước mơ, và nữa của những người không (chưa) đạt được ước mơ.

PS: Hình chỉ có tính minh họa
Nửa thứ hai, người ta xoa dịu nỗi đau cá nhân bằng những từ mang tính mơ hồ: anh ấy (cô ấy) đang ở dạng tiềm năng, và chưa đạt được ước mơ của mình.

Hai thế giới đó tuy tồn tại song hành, cùng xây nên cái gọi là sự rộng lớn của muôn mặt cuộc đời. Hai nửa thế giới hòa quyện vào nhau, sống cộng sinh, dựa dẫm, dọa dẫm lẫn nhau.

Người được thời thì đi xe cỡi ngựa huyênh hoang, người lỗi thời thì chân đất, nhỏ bé trong im lặng.

Người của hai nữa thế giới cố vượt rào, dẫm đạp lẫn nhau, nhảy qua nhau, mặc kệ những chen chúc, những tai nạn, những luân thường, những giá trị...

Thứ Tư, 20 tháng 10, 2010

Một chuyện ghi chép ở Bệnh Viện

P/s: Hình chỉ mang tính minh họa
Có một nơi mà nhiều người trong chúng ta, không  bao giờ muốn tới đó. Ở đó, có đầy đủ cung bậc cảm xúc của con người: vui, buồn, đau khổ, hạnh phúc...

Đó không phải là một nơi yên ắng, thanh bình; càng không phải là nơi không khí trong lành, không phải là nơi để người ta tận hưởng niềm vui cuộc sống.

Chị bị bệnh hiểm nghèo, hơn một tuần nằm tại bệnh viện. Một ngày một hai đợt mình lại vào thăm chị. Mới hôm đến, dù đã chuẩn bị trước tinh thần, nhưng vẫn bị khó chịu trước cái mùi của bệnh viện. Mùi thuốc, mùi thức ăn, mùi uế, mùi buồn xen lẫn pha trộn nhau tạo thành một mùi đặc trưng rất chi là bệnh viện và nhiều người sẽ thấy rất khó chịu.

Nhưng đến lần thứ hai, lần thứ ba, thì không còn cảm thấy khó chịu nữa.

Một hôm mình vừa đến thăm chị, thì chị giường bênh cạnh có người tới thăm. Chị này trạc tuổi chừng hơn 40, chị cũng mổ khối u. Khách thăm của chị là một người đàn ông khoảng 50, tóc hơi bạc, luôn nở nụ cười hiền hòa trên môi. Trên tay ông cầm một túi thức ăn, và 2 bông hoa hồng tươi được gói kỹ bằng giấy báo. Ông cẩn thận lấy thức ăn cho vào bát rồiloay hoay lấy từ túi ra một chiếc bình hoa nhỏ và bắt đầu cắm hoa. Những người bệnh và thân nhân ai nấy đều ngạc nhiên, và mỉm cười.

Thứ Sáu, 15 tháng 10, 2010

Núi thiêng

Vời vợi đất trời phiêu dạt tình ai
Giữa chốn huyền không tìm người trong mộng
(Trên Đỉnh Phù Vân - Phó Đức Phương)
1.
Ở huyện Đông Triều, tỉnh Quảng Ninh, có đỉnh Yên Tử quanh năm mù sương. Trần Nhân Tông, vị vua anh hùng nhà Trần, sau hai lần lãnh đạo nhân dân đánh tan quân Nguyên xâm lược, từ bỏ ngai vàng thượng sơn Yên Tử, sáng lập ra thiền phái Trúc Lâm, truyền bá giáo lý nhà Phật đến mọi thần dân.
Tôi đã từng ra thăm "đỉnh núi mênh mang" Yên Tử, cảm nhận được không khí thanh nhàn, thiêng liêng của nơi phát tích Phật giáo Việt Nam. Chuyến đi thật thú vị, về lại nơi cửa Phật, thấy lòng thanh thản, khơi gợi bao ý nghĩa về cuộc sống theo nghĩa nhà Phật. Càng thú vị hơn, khi tôi biết được một bí mật bi thương, có lẽ ít ai biết được....
Tôi kể chuyện này cho anh cho chị, bởi anh chị sẽ có một ngày đến Yên Tử, đi trên những bậc thềm đá đầy rêu phong, thầm tưởng tượng ra bước chân người xưa.
Tôi kể chuyện này cho anh cho chị, bởi đến một lúc nào đó, anh chị rũ lòng vương bụi trần khi đã mòn bước chân thế sự, muốn tìm nơi yên bình của chốn tâm linh.