Thứ Hai, 30 tháng 5, 2011

Thư tình triết gia.


 “Cả ngày, anh cuốc xới trong vườn và không ngừng liếc nhìn em qua khung cửa sổ phòng ngủ. Em đứng đó, bất động, thẫn thờ nhìn vào khoảng không. Anh biết, em đang cố làm quen với ý nghĩ về cái chết, để chiến đấu với nó một cách không sợ hãi”…

Một năm trước khi cùng vợ tự tử, triết gia André Gorz đã viết cho bà một bức thư tràn đầy tình yêu.

Năm 1965, trước khi tiến hành một cuộc phẫu thuật nhỏ ở lưng, bà Dorine Gorz phải tiêm lipiodol. Năm 1973, một lượng nhỏ của hỗn hợp này được tích tụ dần ở não và hình thành u nang ở cổ tử cung. Các dây thần kinh trong cơ thể bà vì thế bị chèn ép, gây nên những cơn đau liên tục.

Hai năm sau, vợ chồng Gorz phát hiện, Dorine còn mắc phải một căn bệnh khác. Dưới đây là trích đoạn bức thư André Gorz viết cho vợ. Đoạn này bắt đầu từ khi họ biết Dorine mắc bệnh ung thư màng trong dạ con.


"Anh đã chụp được một bức ảnh của em, từ phía sau. Em đang chân trần nghịch nước trên bãi biển La Jolla. Em 52 tuổi. Thật ngỡ ngàng. Đó là một trong những bức ảnh của em mà anh thích nhất.

Anh đã ngắm bức ảnh rất lâu khi hai chúng ta về nhà, khi em hỏi anh rằng, liệu có khả năng em không bị mắc căn bệnh ung thư nào đó không. Em từng lo âu về điều đó từ hồi chúng ta đến Mỹ, nhưng em không muốn nói gì cho anh biết. Tại sao thế hả em? “Nếu phải chết, em muốn nhìn thấy California trước”, em chỉ bình thản nói với anh như vậy.

Căn bệnh ung thư màng trong dạ con đã không được phát hiện trong những lần kiểm tra sức khỏe định kỳ. Sau khi các chẩn đoán được thực hiện và thời điểm phẫu thuật đã được xếp lịch, chúng ta đến sống một tuần trong ngôi nhà do chính em thiết kế. Nơi đây, anh đã dùng một cái đục để khắc tên em lên một viên đá. Ngôi nhà thật tuyệt. Tất cả những khoảng không đều có cấu trúc hình thành. Từ cửa sổ phòng ngủ, chúng ta có thể nhìn xa ra, qua các ngọn cây.

Đêm đầu tiên, vợ chồng mình không ngủ được. Chúng mình nằm lắng nghe hơi thở của nhau. Có tiếng một con sơn ca bắt đầu cất tiếng hót, rồi một con nữa, từ nơi nào đó xa hơn, hòa giọng. Chúng ta thì thầm cùng nhau. Suốt cả ngày hôm đó, anh cuốc xới trong vườn và không ngừng liếc nhìn em qua khung cửa sổ phòng ngủ. Em đứng đó, bất động, thẫn thờ nhìn vào khoảng không. Anh biết, em đang cố làm quen với ý nghĩ về cái chết, để chiến đấu với nó một cách không sợ hãi. Khi lặng im, trông em xinh đẹp và quả quyết đến lạ lùng - một dáng vẻ mà anh không thể tưởng tượng được rằng, em sẽ đầu hàng cuộc sống.

Anh nghỉ việc ở tờ Le Nouvel Observateur để đến trông em trong phòng bệnh. Đêm đầu tiên, qua cánh cửa sổ rộng mở, anh nghe bản giao hưởng số 9 của Schubert. Nó lắng đọng, quyện chặt vào trong anh, từng nốt, từng nốt. Đến bây giờ anh vẫn nhớ từng khoảnh khắc trong cái phòng bệnh đó. Pierre, ông bạn bác sĩ của chúng ta - người mang đến cho anh những tin mới nhất về em vào mỗi sáng sớm - đã nói: “Anh đang sống trong những giờ khắc đặc biệt. Anh sẽ không thể nào quên được đâu”. Khi anh hỏi anh ấy về khả năng kéo dài sự sống cho em trong 5 năm nữa, câu trả lời của Pierre là 50-50.

Khi em ra viện, chúng ta đã trở lại căn nhà của mình. Tinh thần của em khiến anh phải rùng mình, khiến anh khẳng định thêm một lần nữa, rằng em vừa thoát khỏi cái chết và đang bắt đầu cuộc sống với một ý nghĩa mới, một giá trị mới. Một người bạn của chúng ta đã nhanh chóng hiểu được điều này khi anh ấy nhìn thấy em trong một bữa tiệc. Anh ấy đã nhìn thẳng vào mắt em rất lâu rồi nói với em rằng: "Tôi đã nhận ra chị ở một góc nhìn khác". Anh không biết em đã trả lời anh ấy ra sao. Nhưng sau đó, anh ấy nói với anh: “Đôi mắt ấy! Giờ thì tôi hiểu tại sao bà ấy lại quan trọng với ông như vậy”.

Em đã trở về từ nơi không ai trở về được. Anh nhớ một nhà thơ lãng mạn người Anh từng nói: “Trên đời, không có gì quý giá bằng sinh mạng”.

Trong những tháng em hồi phục, anh quyết định nghỉ hưu ở tuổi 60. Anh đếm từng ngày cho đến khi nhận được quyết định nghỉ việc. Anh vui vì được nấu ăn, được theo dõi những dấu hiệu cho thấy sức khỏe em bắt đầu trở lại…

Thật ngạc nhiên khi việc anh rời bỏ tờ tạp chí đã có 20 năm gắn bó không hề làm tổn thương đến bản thân anh cũng như những người khác. Anh nhớ, cuối ngày hôm đó, anh từng viết về một thứ duy nhất thiết yếu với anh: được ở bên em. Anh không thể tưởng tượng, mình có thể viết, có thể làm việc mà không có em gần cạnh. Em cần thiết cho anh đến nỗi, thiếu em, tất cả mọi thứ dù quan trọng đến mấy cũng sẽ mất ý nghĩa. Những lời này anh đã nói ở lời đề tặng dành cho em trong cuốn sách cuối cùng.

Đã 23 năm trôi qua kể từ khi chúng ta đến đất nước này sinh sống. Ban đầu, chúng ta sống trong nhà của em, một ngôi nhà luôn mang lại cho người khác cảm giác hài hòa. Nhưng sự hài hòa ấy chỉ tồn tại được có 3 năm. Người ta xây một nhà máy điện hạt nhân ở gần đó, khiến chúng ta phải chuyển đi. Vợ chồng mình tìm được một căn nhà khác, cũ lắm, nhưng rất mát vào mùa hè và ấm vào mùa đông. Ngôi nhà có một khoảng sân thật rộng, nơi em được dạo chơi thật hạnh phúc.

Em giấu những đau đớn của mình. Em không ngừng khuyến khích anh viết. Và trong khoảng 23 năm sống trong ngôi nhà đó, anh đã xuất bản 6 cuốn sách và hàng trăm bài báo cùng các cuộc phỏng vấn. Em đã trao cho anh con người em và cả cuộc sống của em. Anh muốn mình có thể trao cho em tất cả mọi thứ trong khoảng thời gian còn lại của chúng ta.

Em sắp bước vào tuổi 82. Em đã thấp đi 6 cm và chỉ còn nặng 45 kg. Nhưng em vẫn rất đẹp, rất lịch thiệp và đầy quyến rũ. Chúng ta đã sống cùng nhau 58 năm và bây giờ, anh cảm thấy yêu em hơn bao giờ hết. Anh mang bên mình một khoảng trống vắng vô cùng trong lồng ngực và chỉ có thể được lấp đầy bằng cơ thể ấm áp của em.

Thỉnh thoảng, trong đêm, anh nhìn thấy bóng của một người đàn ông vật vờ đi sau một chiếc xe tang, trên một con đường dài trống trải, giữa một khung cảnh hoàn toàn trống vắng. Người đàn ông đó là anh. Anh không muốn dự lễ tang của em. Anh không muốn nhận nắm tro tàn của em trong một chiếc bình. Anh nghe đâu đó giọng hát của Kathleen Ferrier và choàng tỉnh. Anh vội vàng kiểm tra hơi thở của em rồi giang tay, ôm lấy em vào lòng.

Cả hai chúng ta đều không muốn sống thiếu nhau. Vợ chồng mình vẫn thường tâm tình rằng, nếu có phép màu cho con người một kiếp sống nữa, chúng ta vẫn muốn có nhau".

Thứ Sáu, 20 tháng 5, 2011

Giận anh em ném niềm vui lên trời...

Lê Cát Trọng Lý, cô ca sỹ - nhạc sỹ trẻ tuổi tài cao. Nghe những bài của cô thật có cảm xúc. Giai điệu chân thành tự nhiên, ý tứ sâu sắc. Có những ẩn dụ mang tính triết lý về cuộc sống, nhân sinh, và xã hội.
Thử hỏi có một nhạc sỹ - ca sỹ 22 tuổi nào đã có những dòng thế này không?

giận anh, em ném niềm vui lên trời,
giận anh, em ném bình yên vào núi.
(Ghen)


hay những ẩn dụ nhân sinh rất hay

Tiếng người than...
Tiếng người vui...
Tiếng vọng trên cao xuống đời,

(Giấc mộng lớn)

Hay

Chưa ai ghé ngang đây mặt hồ tưởng lặng yên
Chưa ai hát câu ca về một miền tự do


(Chưa ai)


La la la la la la la... tôi yêu người em gái!
La la la la la la la... tôi thèm làm người điên!


(Nghe tôi kể này)

Một số người  đã hơi lạc quan nhận định Lê Cát Trọng Lý sẽ là Trịnh Công Sơn trong tương lai. Trước mắt Lý còn dài lắm. Nhưng giữa thời buổi bát nháo những thảm họa V-Pop: Da nâu, Tâm hồn là vĩnh cửu...và vô số bài rấc rưởi khác thì những tìm tòi của Lý rất đáng ngưỡng mộ.




Nghe tôi kể này


 

Nghèo

 

Giấc mộng lớn

 

Thứ Năm, 12 tháng 5, 2011

Điều bất ngờ

"Thoạt tiên, chú sẽ ngồi hơi xa ta một chút, như vậy vậy đó, nằm vậy đó trong cỏ. Như vậy đó. Ta sẽ đưa đôi con mắt tròn mà liếc nhìn chú, và chú sẽ không nói một tiếng nào. Ngôn ngữ vốn là cội nguồn của ngộ nhận…”


“Nhưng, mỗi ngày mỗi qua, thì chú mỗi có thể ngồi xích lại mỗi gần ta hơn mỗi chút…”

“Tình bạn là bạn hẹn ta lúc bốn giờ chiều, thì khởi từ lúc ba giờ chiều, cõi lòng ta đã bắt đầu sung sướng”

(trích "Hoàng Tử Bé")

Trước tiên, tôi buộc phải nói ngay với các bạn rằng: tôi là một gã trai chưa có vợ, kéo theo là chưa có gia đình.

Tại sao vậy? Là vì tôi để ý thấy, tiếp xúc với với bất kỳ ai, họ cũng hỏi tôi một lâu là: anh có vợ chưa? Họ luôn nhìn tôi với một thái độ, nói thế nào nhỉ, kinh ngạc xen lẫn chút thương hại, khi nghe tôi trả lời là “chưa”.

Họ làm như, việc cưới vợ lập gia đình là điều gì đó quan trọng nhất trên đời, mọi thứ khác đều là thứ yếu. Và thế là bất kể tôi đạt được nhiều thành công trong cuộc sống, trong mắt họ tôi vẫn là một kẻ đáng thương. Nhưng, thâm tâm tôi cho điều đó rất bình thường, dù gì tôi cũng chưa đến ba mươi!

Vào một buổi chiều lang thang trên mạng, tôi vô tình bắt gặp trang web của công ty "dịch vụ hẹn hò thần tốc". Bạn đã không còn trẻ? Bạn chưa có người yêu? Bạn giao tiếp không tốt? Bạn không có thời gian để kiếm một người yêu để đi đến hôn nhân? Hãy đến với dịch vụ chúng tôi, bạn sẽ nhanh chóng tìm được một cô người yêu như ý. Chà. Quả thiên hạ thông minh thật. Những gì mình chưa nghĩ đến thì họ đã biến thành hiện thực. Tôi quyết định làm khách hàng của họ, một phần muốn biết họ làm ăn thế nào và điều quan trọng hơn: biết đâu ta sẽ tìm được một cô người yêu vừa ý?

Sáng thứ bảy, tôi ăn vận khá bảnh, lần theo địa chỉ đi đến trụ sở công ty. Đó là một tòa nhà ba tầng khá khang trang. Một người đàn ông lịch sự cúi gấp xuống khi tôi bước vào phòng tiếp tân. Họ làm ăn đường hoàng thật, tôi nghĩ bụng. Ở đó đã có ba bốn chàng trai độ tuổi tôi đang ngồi ở hàng ghế chờ đợi. Họ có vẻ suốt ruột thông qua việc chốc chốc lại nhìn đồng hồ và đồng loạt dõi theo kỹ hành động cô tiếp tân. Tất cả đều lộ vẻ căng thẳng lóng ngóng, pha chút ngượng ngùng như những gã trai chưa có người yêu thường thể hiện.

Đến lượt tôi đối diện với cô tiếp tân, tôi cố tỏ ra một cách bình thường nhất; khi nhìn sâu vào cô tôi vẫn cảm giác một chút ngượng ngập; dường như cô cười cợt tôi thì phải: cái anh này chắc tệ lắm đây mới tới tìm tôi. Có lẽ không phải, những người tự ti thường cho rằng người khác đang nhạo họ!

Cô tiếp tân độ 25 tuổi, nhan sắc tương đối bình thường, được cái khuôn mặt ưa nhìn, thanh tú, và đặc biệt nụ cười có duyên. Cô nổi bật giữa đám đông bởi chiếc áo hồng đậm.

“Ở đây, chúng tôi cung cấp cho quý khách bốn loại cuộc tình: kiểu Mỹ, kiểu Hàn, kiểu Hồng Kông, và kiểu Việt Nam”.

“Trước hết phải thử kiểu Mỹ đã”. Tôi nghĩ thế, không đắn đo mua ngay một vé kiểu Mỹ. Một nhân viên công ty dẫn tôi vào một căn phòng trên lầu 2. Giữa căn phòng có một bức vách ngăn cách ra làm hai, thông nhau bởi những ô vuông. Mỗi bên có những ô nhỏ khoảng rộng gần 1 mét và cách nhau khá xa. Tôi được dẫn vào một ô trong số đó. Một cô gái từ phía bên kia bức tường trò chuyện với tôi. Đây là cách “làm quen trong 3 phút” mà tôi đã dược nghe cô tiếp tân quảng cáo.

“Anh có thường hay xem phim không?”, “Có, tôi thích nhất phim hành động Mỹ, còn cô”? “Tôi cũng vậy”. Phim ảnh, đó là thứ mà tôi yêu nhất trên trần đời này, thật không có gì vui hơn khi gặp người cùng sở thích. Tôi chấp nhận cô gái ấy. Nếu sau này tôi có không còn thích cô thì chí ít cũng có cái bám víu là cái sở thích phim ảnh trong cô.

Chúng tôi hẹn hò “kiểu Mỹ”, cô gái tôi quen thật bạo dạn. Bữa thứ nhất xem phim. Nàng chủ động nắm lấy tay tôi. Bữa thứ hai đi ăn tối, nàng gợi ý tôi tiễn về căn hộ. Đến bữa thứ ba thì chúng tôi đã làm cái điều mà không nói ra thì ai cũng biết(!). Bữa thứ tư, sau khi nghe tôi trình bày về cái ý định làm quen để tiến tới hôn nhân, nàng la lên “té ra anh quen em chỉ để đạt được mục đích của anh thôi à?”. “Ta chia tay nhau nhé”. Rồi nàng bước đi. Tôi cố ngăn lại, cố gắng liên lạc, nhưng đều bất thành. Từ đó tôi không gặp nàng thêm lần nào nữa. Nói chung những cuộc tình đến rất nhanh thì đi chóng vánh cũng không kém, tôi không hề chút hối tiếc!

Tôi lại thân hành tìm đến công ty môi giới lần nữa. Cũng cô gái có nụ cười có duyên với chiếc áo hồng đậm nổi bật đón tôi.

“Chào anh, việc hẹn hò của anh tiến triển tốt đẹp chứ?

Tôi cố tỏ ra nhẹ nhàng, nhưng vẫn không giấu được sự ấm ức một mức nào đó.

“Nếu đã tốt thì tôi đã chẳng tìm đến cô đây!”

Cô gái nở nụ cười ra chiều cảm thông.

“Vẫn còn nhiều cơ hội cho anh. Anh tiếp tục thử thời vận chứ?”

“Dĩ nhiên là có, nếu không thì tôi đã chẳng đến đây. Cô cho tôi “cuộc tình kiểu Hàn” đi.

Không phải chờ lâu, tôi được đáp ứng ngay một đối tượng hẹn hò kiểu Hàn sau 30 phút. Quả là, hẹn hò kiểu Hàn khác biệt và thú vị hơn kiểu Mỹ nhiều. Ngày đầu tôi và nàng đi dạo công viên, nhìn nhau, nàng e lệ. Lần hẹn hai, chúng tôi cùng nhau đi công tác xã hội mà nàng quan tâm. Lần hẹn ba, chúng tôi bước nhẹ trên những con đường vắng và mơn man gió. Tôi hoàn toàn hoài lòng. Duy chỉ có một điều: nàng hay giận dỗi tôi một cách khó hiểu. Nhiều lần, nàng để mặc tôi trong mưa gió bão bùng ở dưới cổng nhà nàng mà chẳng thèm quan tâm lấy một câu…

Tôi nói với nàng: “chúng ta kết hôn đi”. Nàng nhìn xa xăm “chúng ta chưa quen bao lâu mà, chưa hiểu nhau nhiều”. “Anh thấy là anh và em hợp nhau”. “Đơn giản thế sao? Có cần thiết thế không? Yêu nhau nhiều lúc chẳng cần kết hôn”. “Em có những việc thật khó xử. Hãy cho em thêm một thời gian…”.

Sau nhiều năm tình trường tôi nghiệm ra rằng nhẫn nại là đức tính quý giá ở một chàng trai…

Ừ, thì chờ…

Một tháng sau, bất ngờ tôi nhận được bức thư của nàng, trong thư nàng viết.

“Anh à, em bị một căn bệnh hiểm nghèo khó chạy chữa, không còn sống lâu. Em đã ở một nơi rất xa. Em muốn được yên tĩnh sống nốt những tháng ngày còn lại trong bình yên. Quên em đi…”

Thế là hết, tôi ngậm ngùi xa mối tình Hàn Quốc của mình.

Hơn một tháng để lấy lại thăng bằng, tôi lại tìm đến cái trụ sở có cô gái có nụ cười duyên dáng rực rỡ trong chiếc áo hồng đậm.

“Lại gặp anh rồi. Anh vẫn chưa gặp được người thích hợp hay sao?” – cô gái nhìn tôi nhoẻn cười, giờ thì thái độ gần gũi hơn hẳn.

“Đáng ra thì đã… nhưng bây giờ thì…”

Tôi trầm ngâm, nán lại xem có nên nói cho cô ấy biết thêm một vài sự thật hay không…

“Mà thôi, tôi đã đến đây rồi. Cô làm ơn cho tôi một vé mối tình Hong Kong…”

Cô gái nhìn chăm chú vào tôi rồi mỉm cười. Dĩ nhiên tôi được đáp ứng, vì tôi là “thượng đế” mà. Cô gái của kiểu mối tình Hong Kong khác biệt hẳn với hai cô gái trước kia. Nàng xinh tươi, hồn nhiên, lãng mạn nhưng cũng khá thực tế. Chúng tôi đã cùng nhau hẹn hò nhiều nơi: quán nước, công viên, quán café, trò chuyện rất hợp ý. Chừng vài tuần sau, nàng lại dẫn tôi đi gặp bạn bè.

Những lần sau cũng vậy, tôi ngập trong những mối quan hệ của nàng: rối rắm phức tạp. Mà khổ, tôi là người nội tâm, muốn nàng hãy dành cho tôi những khoảng lặng. Cuộc sống em rộn rã quá. “Anh thật không hiểu, tại sao em lại có thể quen với những người này”. Một lần tôi bực mình nói thẳng. “Tại sao em lại không thể? Đó là bạn bè của em. Anh phải tôn trọng”. “Nhưng nó khác biệt con người và môi trường em đang làm việc”. “Em không biết, ở bên họ em chỉ thấy vui vẻ”. Nguồn cơn việc tôi và nàng một ngày dần khác biệt là thế đó. Kết cục chia tay là điều không tránh khỏi.

Dĩ nhiên tôi buồn. Nhưng rồi nó cũng qua nhanh. Trời đất xui khiến tôi lại đến nơi cái trụ sở ba tầng, nơi có cô gái có nụ cười dễ thương cùng chiếc áo hồng ấn tượng.

Đã quá quen với khuôn mặt của tôi, cô gái nháy mắt rồi cười. Tôi thấy ở đó một sự thân thiện sau ba lần gặp gỡ. Trong khoảnh khắc đó, bỗng một ý nghĩ lạ lẫm thoáng qua trong đầu tôi, không hiểu trời đất run rủi thế nào mà tôi lại ghé hơi sát cô, nói nhỏ bằng một giọng đủ nghe:

“Em dễ thương lắm. Anh muốn được làm quen với em. Thật là vui khi anh biết số điện thoại của em…”

Cô gái thoáng bối rối, nhưng rồi định thần, mỉm cười ý nhị…

“Em chờ đợi câu nói đó lâu rồi…”

Chúng tôi nhìn nhau, tự nhiên mặt cô đỏ bừng.

Giờ thì tôi không kể tiếp. Chỉ biết là sau đó tôi quyết định thôi, không còn làm khách hàng của dịch vụ mai mối “thần tốc” nữa.