Thứ Năm, 30 tháng 6, 2011

Tôi yêu tiếng nước tôi

Tôi yêu tiếng nước tôi, từ khi mới ra đời
(Phạm Duy)


1. Tình ca, có lẽ là bài hát nổi tiếng nhất của Phạm Duy. Có thể nó không phổ biến bằng “Tình ca” của Hoàng Việt mà chúng ta hay nghêu ngao hát trong những bữa tiệc vui, trong những trận Karaoke hoành tráng. Cảm hứng âm nhạc và nội dung hai bài hoàn toàn khác nhau. Tình ca Hoàng Việt viết về tình yêu đôi lứa trong hoàn cảnh đất nước chia cắt, khát khao hòa bình thống nhất, khát khao sum họp. Tình ca của Phạm Duy viết về tình yêu đất nước. Khi nghe bản tình ca này chắc chắn bạn sẽ thêm yêu quê hương đất nước hơn.

2. Mình biết NS Phạm Duy đã lâu, nhưng nghe ông khá muộn. Thấy báo chí nhắc đều đến ông nên cứ tò mò “không biết cái ông ấy sáng tác bài gì hay mà người ta trọng vọng thế”. Nhớ năm 2004, mở cuốn sách giáo trình ĐH của cô bạn học ngữ văn, thấy người ta dành cho ông những lời lẽ không hay, hơi ngạc nhiên. Năm 2005, ông quyết đinh về ở hẳn Việt Nam, gây không ít những tranh cãi của nhiều người thuộc nhiều phe phái khác nhau. Theo mình biết thì quan điểm chính trị của ông qua các thời kỳ…có nhiều thay đổi. Nhưng thôi không quan tâm đến những điều đó. Nghe những bài hát của ông: Tình ca, Ngày xưa Hoàng Thị, Đưa em tìm động hoa vàng, Bà mẹ Gio Linh…mới hiểu rằng vì sao trong âm nhạc người ta thường xếp ông với những Trịnh Công Sơn, hay các NS với nhiều NS tiền chiến nổi tiếng khác như Nguyễn Văn Thương, Đoàn Chuẩn – Từ Linh, Nguyễn Văn Tý... Tất cả đều hay, xúc động, mang nét hoài niệm xưa. Ông viết nhiều về tình yêu đôi lứa, về tình yêu quê hương đất nước, về những người mẹ, những người lính. Lời ca đẹp, giai điệu mượt mà sâu lắng….nói chung là rất riêng. Còn riêng thế nào, xin để những nhà phê bình âm nhạc…có việc mà làm.

Entry này không nói chuyện âm nhạc, cũng không phải nói chuyện NS Phạm Duy. Nhân nghe bài Tình ca, mình có cảm hứng viết một entry về đất nước Việt Nam, đất nước của chúng ta. Những ghi chép lộn xộn, xù xì , một vài suy nghĩ về những câu chuyện cổ tích, những bài hát, bài thơ, hay những câu chuyện sự kiện đời thường hi vọng mang lại một vài lát cắt, góc nhìn về hình ảnh đất nước.


3. Chuyện Thánh Gióng: Gióng nguyên là một đứa trẻ lớn hoài vẫn chưa hết hơi sữa. Lên ba vẫn không biết nói, không biết khóc, không biết cười đặt đâu nằm trơ trơ ra đó. Khi có giặc đến, Gióng lớn nhanh như thổi, cỡi ngựa, mang roi sắt giết giặc cứu nước. Đất nước ta sống bên cạnh bên láng giềng khổng lồ TQ, mang tiếng là nhược tiểu, luôn bị TQ nhòm ngó thôn tính, chiến tranh liên miên. Gióng bình thường thế, lúc có giặc lại có một sức mạnh thần thánh. Chi tiết mọi người dân góp gạo nuôi Gióng biểu trưng cho sức mạnh của dân tộc, nhân dân ta, sức mạnh của sự đoàn kết là vô địch. Hình ảnh Gióng lớn nhanh như thổi khi có giặc Ân gợi rằng dân tộc ta chỉ chỉ thực sự mạnh khi phải chống chọi với giặc ngoài, dân tộc ta thực sự đoàn kết khi phải đối đầu với ngoại bang. Phải chăng việc Gióng lên ba mà vẫn chưa lớn phù hợp với câu thơ "đất nước 4000 vẫn còn trẻ" mà mình đã từng nghe đâu đó chăng?

4. Chuyện Sơn Tinh - Thủy Tinh. Nội dung câu chuyện, chắc ai cũng biết. Nếu nói theo ngôn ngữ ngày nay thì đây là chuyện tình “tay ba”. Hai chàng trai cùng đều tài giỏi. Sơn Tinh con của thần núi, Thủy Tinh con của thần sông, chiến đấu giành người đẹp. Sơn Tinh may mắn hơn, được lấy công chúa. Thủy Tinh hận tình làm mưa làm gió đánh Sơn Tinh cướp công chúa. Sơn Tinh là thần núi nên, “nước dâng cao bao nhiêu, thì núi cao lên bấy nhiêu”. Sự việc đã diễn ra ngàn đời nay. Cô giáo dạy văn cấp hai ngày xưa dạy mình rằng, đây là tiêu biểu cho ý chí của nhân dân ta, luôn luôn biết vươn lên chống chọi với thiên tai địch họa, để xây dựng một cuộc sống ấm no…. Dân tộc ta từ xưa chủ yếu kinh tế thuần nông, bão lũ, hạn hán thường xuyên, nên mong ước của dân ta ngày xưa thế cũng là hợp lý thường tình.

5. Vũ Thị Thiết, người con gái Nam Xương, có chồng là chàng Trương Sinh, vốn tính hay đa nghi. Chồng đi đánh giặc, Thiết ở nhà nuôi con thơ mẹ già. Chiến trận kết thúc Sinh về nhà, nghe lời ngây thơ của đứa con lên ba nghi ngờ vợ mình ngoại tình (đây là thuộc típ chuyện hôn nhân gia đình viết theo kiểu xưa..). Uất ức, để chứng tỏ lòng trung tiết của mình, Vũ Thị Thiết trẫm mình xuống sông tự vẫn. Người đã chết đi, khó sống lại. Trong sương mờThiết theo đó mà dần xa, xa rời Sinh, xa rời chốn trần thế lắm thị phi. Vũ Thị Thiết, một người phụ nữ đúng theo truyền thống của phụ nữ Việt Nam ngàn đời nay. Còn nhớ, lúc giảng bài này, cô giáo dạy văn hỏi cả lớp một câu, đại để là theo các em nguyên nhân nào khiến gia đình Sinh gặp bất hạnh, mẹ già chết, vợ tự tử, phải sống cô đơn. Lúc đó mình và các bạn đua nhau phát biểu, do Trương Sinh đa nghi, do đứa trẻ lên ba nói nhăng nói cuội, do bà mẹ Sinh chết. Cô giáo nói, tất cả trên đều đúng, nhưng chưa phải là cốt yếu. Tất cả là tại chiến tranh, chiến tranh bắt Sinh phải đi lính, chiến tranh làm gia đình họ chia ly, chiến tranh làm gia đình họ hiểu lầm. Nhân dân ta yêu hòa bình, nhiều khi phải nhín nhận để được hòa bình, lúc không thể thì mới vùng dậy. Nhưng số phận nó không cho phép dân tộc ta như thế, chiến tranh liên miên, hiếm khi nhân dân được sống trong cảnh thanh bình thực sự. Chiến tranh gây bao mất mát, và người thiệt thòi thường là phụ nữ...

6. Trường ca “Bên kia sông Đuống”, “quê hương ta lúa nếp thơm nồng”, “màu dân tộc sáng bừng trên giấy điệp”, bà con ta sống an bình quây quần bên những ngôi làng cổ kính, bên những dòng sông êm đềm, đi sớm về khuya chăm vun ruộng lúa tốt tươi, thẳng cánh cò bay, đời sống tinh thần phong phú với “những hội hè đình đám”. “Những cô hàng xén răng đen, cười như mùa thu tỏa nắng”, tượng trưng cho những gì bình dị,dân dã của nông thôn nước ta. "Em ơi buồn làm chi", anh sẽ đưa em về bên kia sông, không còn là con sông Đuống ở Bắc Ninh quê nhà của Hoàng Cầm, mà có thể là một con sông nào đó khắp Việt Nam thân yêu…Nay đã hiếm dần những tiếng "chuông chùa văng vẳng"

7. Mình ám ảnh bởi nạn đói năm 1945, tuy rằng lúc đó mình chỉ là tro bụi. Loạt tư liệu mà báo Tuổi Trẻ đăng năm 2006 đã mang đến cho mình những thông tin khủng khiếp về nạn đói. Kinh hoàng, thảm khốc, thê lương. Đó là những ấn tượng mà người chứng kiến kể lại. Mình thường tưởng tượng đồng bào ốm o vật vờ ngất ngưỡng trên các nẻo đường đầy xác người. Nam Cao viết trong truyện ngắn “Đôi mắt”: đây là nạn đói mà có lẽ đến năm 2000, con cháu chúng ta kể nhau nghe vẫn còn thấy rùng mình. Nay đã là năm 2008, chắc chắn chúng ta vẫn còn rùng mình khi nghe chuyện. Nhà sử học Dương Trung Quốc đề xuất nên có một bia tưởng niệm gần 2 triệu đồng bào bị chết đói năm ấy. Một tấm bia, để tưởng nhớ dân tộc ta đã một thời sống như thế, mất độc lập, mất tự do và đói khát. Bia để nhắc nhở thế hệ ngày sau vươn lên tránh lặp lại. Có lẽ nào bị quên lãng mất rồi?

8. Hồi đầu năm nay Báo Tuổi trẻ có loạt bài về những người lính chiến trận Việt Nam ở Guyane , một vùng đất xa xôi ở Nam Mỹ. Đó là những người con Việt Nam chân chất bị tù tội của thực dân đày tới miền đất xa xôi, ngày đêm trong ngóng về quê hương. Mình còn nhớ đọc ở đâu đó những người lính bị Pháp bắt đưa đi lính trong chiến tranh thế chiến, rồi sống ở Nga, các anh không còn nhớ quê mình ở đâu, giờ đã về già sống trong sự nhớ thương đất nước. Rất nhiều rất nhiều hoàn cảnh như vậy, đất nước hiện lên trong mình bởi những hoàn cảnh thương tâm vậy. Đất nước của những người con vì hoàn cảnh phải đi xa một cách ép buộc, ngày đêm vẫn mong ngóng một ngày hội ngộ quê hương.

9. Gia đình mình có một người chú sinh ở Huế, trước năm 1975 là thuộc vào Việt Nam cộng hòa. Chú lớn lên được tiếp cận nền giáo dục ở Miền Nam này. Sau năm 1975 thống nhất đất nước, chú đi thăm ông anh, là một người lính quân đội nhân dân Việt Nam (cũng là một người chú khác của mình), tại một doanh trại quân đội . Lúc đó chú mang áo trắng, đi giày đen, bỏ áo vào quần lịch sự. Lúc chia tay, người chú bộ đội mới nói nhỏ, lần sau có thăm, thì đừng có mang áo quần như thế nữa, người ta dễ nghĩ là “tiểu tư sản”. Kể từ đó chú không gặp người chú bộ đội thêm một lần nào ở doanh trại nữa. Đến bây giờ, cả hai cũng đã già, bao thăng trầm qua đi, nhưng trong những lần cuộc gặp gỡ vẫn có chút gì đó ngượng ngập, chiếu lệ, những câu chuyện xung khắc, không ăn nhập. Những cuộc nói chuyện khi trà dư tửu hậu, vẫn có những khác biệt về chính kiến. Ýthức hệ, chiến tranh đã đẩy những người con trong một gia đình ra hai chiến tuyến, nói rộng ra là đẩy những người con hai miền thành đối địch nhau. Thật không có nỗi đau nào lớn hơn bằng sự chia cắt. Mọi mất mát thì cũng là người Việt mình đều thiệt thòi cả. Vết thương này có lẽ còn lâu mới lành lại được. Mình hi vọng với sự bao dung, cởi mở, chân thành của người Việt, mọi đối đầu, mọi quá khứ đau thương gác lại để cùng xây dựng một đất nước Việt Nam giàu mạnh …Đọc hồi ký của ông M. nghe ông ấy nói về cảm tưởng sau năm 1975, vào Sài Gòn, thấy đời sống ở Sài Gòn có vẻ giàu có hơn, nhưng cả một miền Nam vẫn là những người Việt, vẫn giữ, và nói tiếng nói Việt thân thương, với một âm sắc khác, nhưng vẫn là ngữ pháp, vẫn ngôn từ Việt. Ông thật cảm động. Lúc đó mình chưa sinh ra, nhưng chắc chắn mình cũng sẽ cảm động như ông nếu rơi vào trường hợp tương tự. Đất nước ta, đất nước của những bất đồng...

10. Cuối năm 2007, đầu năm 2008, lạm phát tăng cao. Dân tình xôn xao. Người thiệt thòi nhất là những tầng lớp dân nghèo và thu nhập thấp. Một báo cáo là hằng năm trưởng VN là 7 - 8%, là điều thần kỳ châu Á, đứng thứ 2 châu Á, được cả thế giới ca tụng, nhưng sự tăng trưởng ấy chưa thực sự đến với dân nghèo. Những người bạn của mình làm trong các lĩnh vực khác nhau, đều nói rằng nhiều người dân nước VN ta vẫn còn quá nghèo. Có nhiều người được hưởng lợi từ sự bùng nổ kinh tế, người ta giàu lên, có nhà lầu xe hơi, có tiền tài khoản ngân hàng, nhưng có đâu đó nhiều con người bị chệch bên lề chung của sự phát triển xã hội. Không đâu xa, ngay tại thành phố giàu có và phát triển nhất nước, chúng ta ra đường và chịu khó quan sát, sẽ thấy được sự khó nhọc của những chị bán rong, những lo lắng của các anh chạy xe ôm, sự thất thểu, vô tương lai bất định của những đứa trẻ vô gia cư. Chịu khó nhìn kỹ hơn nữa, sẽ thấy nhiều gia đình nghèo khó bất hạnh hơn chúng ta gấp nhiều lần. Nhiều khi nghĩ thật bất lực, vì mình chưa đủ khả năng để có thể giúp được nhiều người. Đất nước ta, đất nước của những người nghèo.

11. Mình đang sống trên thành phố HCM – Sài Gòn, nơi đây ngày xưa người ta gọi là “Hòn Ngọc Viễn Đông”, một chút tự hào, nhưng ngẫm nghĩ lại, sự hào nhoáng được mang lại chủ yêu bởi sự xâm lăng người Pháp trước đó và người Mỹ sau này. Sài Gòn hình thành cách đây 300 năm thôi, từ sự di cư của dân nhiều nơi trên đất nước Việt Nam này. Người Sài Gòn nói chung là cởi mở, nhanh nhạy, hướng ngoại. Mình đã chứng kiến nhiều bạn trẻ, từ khắp nơi đến sống và học tập và lập nghiệp ở đây. Mỗi người mỗi hoàn cảnh, không ai giống ai. Có người đang khó khăn, có người đã thành đạt. Mình luôn luôn đọc được trong tâm tư họ một niềm tin cao độ vào tương lai. Thỉnh thoảng mình đọc báo, viết về những người trẻ. Muôn hình muôn trạng. Có người ăn to nói lớn, có người trầm tính. Có người bộc phát, có người thâm trầm. Họ hoạt động trong nhiều lĩnh vực khác nhau. Nhưng nhìn nhận chung một điểm là họ thật háo hức với với nhiều dự định của chính bản thân. Đọc nhiều bản báo cáo thấy rằng mức độ tham nhũng, độ minh bạch tài chính, các chỉ số cạnh tranh khác..của VN đều đứng ở hạng bét thế giới. Có một chỉ số mà mình có thể tự hào; là chỉ số hạnh phúc, chỉ số lạc quan không phải cao nhất nhưng cũng dạng cao. Mình tự thấy người Việt mình sống thật lạc quan…Mà phải lạc quan chứ, đất nước của những người lạc quan…

12. Tí nữa là ra đường về nhà. Có thể mưa, có thể kẹt xe. Những lúc đó có thể mệt mõi, chán nản, có thể thấy vui. Quan trọng là được ngắm nhìn dòng người, hớn hở vội vã về nhà sau một ngày mệt nhọc. Thỉnh thoảng mình lại vui, chỉ vui thôi, chẳng biết vui gì. Nhìn họ, mình tin vào tương lai, tự thấy yêu người yêu đời hơn. Những lúc thế mình lại nghĩ, nghĩ nhiều, nhớ nhiều điều....

Thứ Năm, 2 tháng 6, 2011

Trường Sa - Hoàng Sa là của Việt Nam!

Những ngày qua, một sự kiện khiến toàn thể dân tộc Việt Nam bất bình, là việc tàu hải giám Trung Quốc ngang nhiên cắt đường dây cáp của tàu Bình Minh 02 của Việt Nam trên hải phận Việt Nam. Trung Quốc đã từng bước có những hành động ngày càng hung hãn hơn trên Biển Đông mà đối tượng nhắm vào là Việt Nam: ban đầu là bắt bớ ngư dân, tiếp đến bắn vào ngư dân Việt Nam, kế tiếp cản trở tàu Việt Nam hoạt động kinh tế. Không biết bao giờ thị chúng gây chiến. Tham vọng vô bờ bến của nhà cầm quyền Trung Quốc muốn biến Biển Đông thành ao nhà của họ với cái luận thuyết 'đường lưỡi bò 9 đoạn" ngang ngược và không có căn cứ lịch sử.

Bộ mặt thật của chủ nghĩa bành trướng nước lớn Đại Hán từ xưa đến nay vẫn bộc lộ rõ. Có điều ngày nay nó được che đậy bởi những lời lẽ dối trá "trỗi dậy trong hòa bình" của giới lãnh đạo Trung Quốc, và "8 chữ vàng" trong quan hệ Việt Trung.

Mình đăng lại bài viết hồi năm 2007 nhân dịp biểu tình phản đối việc Trung Quốc hành chính hóa quần đảo Trường Sa.

Xin được lấy tựa đề một bài báo trên Tuổi Trẻ để đặt cho Entry này. Và đó cũng là một sự thật mà mọi người Việt đều tin như thế. Sự thật là thế, dù rằng thực tế có cách xa sự thật bao nhiêu, thì hãy tin rằng sự thật vẫn là sự thật.

Cả ngày hôm trước và hôm qua, Yahoo Messenger của tôi đầy rẫy tin nhắn của bạn bè khẳng định Hoàng Sa - Trường Sa là của Việt Nam. Và mọi người kêu gọi rằng hãy gởi tin nhắn này cho những người khác, như là một biểu hiện tấm lòng kiên định của bạn trước hành động ngang ngược của Trung Quốc.

Cũng trong chiều qua, một người bạn gởi cho tôi trang web "Ký tên vì công lý" để cộng đồng mạng bày tỏ chia sẽ quan điểm khẳng định rằng Trường Sa - Hoàng Sa là mảnh đất của cha ông chúng ta đã dầy công khai phá. Bất kỳ một sự tuyên bố chủ quyền nào với hai quần đảo này đều đi ngược lại với thực tế lịch sử và là sự xâm phạm chủ quyền một cách trắng trợn.

Việt Nam nằm kế cạnh ông kẹ của Châu Á và thế giới là Trung Hoa. Trung Hoa là nước lớn, có bề dày truyền thống lịch sử, là một trong những cái nôi văn minh của nhân loại, với mỹ danh là văn minh Trung Hoa. Tính ra dân số TQ hiện nay là gần 1 tỉ 3, trong khi đó Việt Nam chỉ là 85 triệu (gấp gần 15 lần). GDP của Trung Quốc năm 2006 lên gần tới 3000 tỉ USD (vừa vượt Anh để đứng hạng 4 thế giới), của Việt Nam năm 2006 là 60 tỉ USD, chỉ bằng 1/50 của Trung Hoa.

Trong mọi thời điểm trong lịch sử cũng như hiện nay, Việt Nam luôn là một nước "nhược tiểu" so với Trung Hoa. Chính vì vậy, giới thống trị của Trung Quốc luôn luôn tìm cách nhòm ngó mảnh đất nằm ở trời nam tuy nhỏ hẹp nhưng đầy tiềm năng. Thực tế, họ đã hơn 1000 năm độ hộ (thiên niên kỷ thứ nhất) nước ta, và trong thiên nhiên kỷ thứ hai, họ đã nhiều lần tìm cách thôn tính nước ta, nhưng chưa có lần nào trở thành hiện thực. Có thể nói, lịch sử trung đại hào hùng của Việt Nam, là lịch sử dựng nước và giữ nước trước một nước lớn luôn luôn có tư tưởng bành trướng là Trung Hoa.

Ngày nay cũng thế, tuy VN và TQ là 2 trong số 4 nước còn lại do Đảng Cộng Sản cầm quyền, và ở cấp cao, hai Đảng, hai Chính phủ luôn luôn luôn có những chuyến thăm viếng lẫn nhau, khẳng định “tình hữu nghị núi liền núi, sống liền sông”.
Bề ngoài là thế, nhưng TQ luôn luôn muốn nhòm ngó vùng lãnh hải biển Đông của Việt Nam, họ dần dần sử dụng sức mạnh quân sự, chiếm cứ đảo này tới đảo khác.
Năm 1974, lợi dụng sự rối ren của cuộc chiến tranh hai miền của VN, họ đã nổ súng vào Hoàng Sa chiếm cứ. Quân đội VNCH chống trả quyết liệt, nhưng cuối cùng bị thất thủ. 
Năm 1988, họ lại một lần nữa tấn công vào hải quân Việt Nam làm vài chục quân nhân hi sinh.
Năm 2005, họ đã nã súng vào dân thường đánh cá VN, mà họ cho là dã xâm phạm vào lãnh hải cùa họ.
Đỉnh điểm là vào những ngày gần đây, Quốc vụ viện TQ tuyên bố thành lập thành phố Tam Sa, để quản lý các quần đảo Trường Sa và Hoàng sa.

Chơi với vua, như chơi với hổ. Chơi với vua thì được nhiều cái lợi, được bảo về, được bổng lộc. Nhưng khi vua giận hoặc không hài lòng thì chết là cái chắc. VN ở gần Trung Quốc, về lý thuyết hiên nay là đồng cơ chế nhà nước, là anh em, vì cùng là chế độ CS lãnh đạo. Nhưng cũng như cha ông của họ, giới cầm quyền TQ luôn luôn tìm cách xâm lấn lãnh thổ của VN.
Vẫn biết rằng nước ta yếu, nhưng không có nghĩa không có sức mạnh. Nước yếu có thế của nước yếu. Lịch sử cho thấy, một khi nền độc lập hay lãnh thổ bị xâm phạm, thì lòng yêu nước của người Việt trào dâng mạnh mẽ hơn bao giờ hết, tạo thành một làn sóng mạnh mẽ, đập tan mọi kẻ thù (tổng kết của Bác Hồ).
Trong lịch sử VN, Nhật Bản, Triều Tiên.. luôn là những nước chư hầu của Trung Quốc. Trugn Quốc tự cho là Thiên Triều, còn những nước này là nhược tiểu, phải bắt nộp triều cống. Cải Cách Minh Trị giữa thế kỷ 19, kỳ tích Sông Hàn vào những năm cuối thế kỷ 20 đã biến nước Nhật và Hàn Quốc trở thành những nước công nghiệp tiềm lực kinh tế, quân sự vững mạnh (hơn cả Trung Quốc). Bởi vậy TQ luôn luôn cẩn thận không dám làm càn với hai anh này. Riêng với VN thì họ thấy mình yếu, nên không chút coi trọng. 
Hơn lúc nào hết, muốn giữ vững độc lập, có tiếng nói vững trong cộng đồng, trước hết phải vững mạnh về kinh tế, được như thế chẳng có nước nào dám coi thường, điều mà Nhật Bản và Hàn Quốc đã làm được

Lịch sử VN là lịch sử chiến tranh, hơn dân tộc nào hết, người Việt rất thấm thía được sự mất mát tổn thương do chiến tranh gây ra (2 ngàn năm chống phong kiến Trung Quốc, gần 100 năm chống Thực dân pháp, đánh đuổi giặc Mỹ, 30 năm nội chiến). Để có được hòa bình ngày hôm nay, thì VN đã trả giá rât nhiều, là máu, là tiền của mồ hôi nước mắt nhân dân, là hố sâu ngăn cách chính kiến, là cơ hội để phát triển kinh tế xã hội cơ hội phát triển ngang tầm với bạn bè thế giới.

Bởi vậy chiến tranh là không cần thiết, thực tế nhà nước VN cũng luôn luôn nhún nhường TQ, như Bác Hồ nói, chúng ta nhân nhượng để được hòa bình.
Nhưng, một sự nhún nhường nhân nhượng nào cũng có giới hạn, và vẫn đảm bảo quyền lợi ở mức chấp nhận được. Nhân nhượng không có nghĩa là mình lép vế, mà muốn giải quyết vấn đề ở mức hòa bình, thông hiển lẫn nhau hơn. Hi vọng Nhà nước ta tuy nhún nhường, nhưng vẫn tìm được ra cái "thế " của nước yếu để đối phó với mọi mưu đồ xâm lấn lãnh hải của giới cầm quyền Trung Quốc.
Biết bao giờ người Trung Quốc mới hiểu ra ý nghĩa của bài thơ mà người anh hùng dân tộc Lý Thường Kiệt đã sáng tác nhằm khẳng định chủ quyền:
"Nam quốc sơn hà Nam đế cư
Tiệt nhiên định phận tại thiên thư
Như hà nghịch lỗ lai xâm phạm
Nhữ đẳng hành khan thủ bại hư"

Dịch nghĩa Việt

"Sông núi nước Nam vua Nam ở
Rành rành sách trời chia xứ sở
Cớ sao lũ giặc sang xâm phạm
Chúng bay nhất định phải tan vỡ"

Thứ Hai, 30 tháng 5, 2011

Thư tình triết gia.


 “Cả ngày, anh cuốc xới trong vườn và không ngừng liếc nhìn em qua khung cửa sổ phòng ngủ. Em đứng đó, bất động, thẫn thờ nhìn vào khoảng không. Anh biết, em đang cố làm quen với ý nghĩ về cái chết, để chiến đấu với nó một cách không sợ hãi”…

Một năm trước khi cùng vợ tự tử, triết gia André Gorz đã viết cho bà một bức thư tràn đầy tình yêu.

Năm 1965, trước khi tiến hành một cuộc phẫu thuật nhỏ ở lưng, bà Dorine Gorz phải tiêm lipiodol. Năm 1973, một lượng nhỏ của hỗn hợp này được tích tụ dần ở não và hình thành u nang ở cổ tử cung. Các dây thần kinh trong cơ thể bà vì thế bị chèn ép, gây nên những cơn đau liên tục.

Hai năm sau, vợ chồng Gorz phát hiện, Dorine còn mắc phải một căn bệnh khác. Dưới đây là trích đoạn bức thư André Gorz viết cho vợ. Đoạn này bắt đầu từ khi họ biết Dorine mắc bệnh ung thư màng trong dạ con.


"Anh đã chụp được một bức ảnh của em, từ phía sau. Em đang chân trần nghịch nước trên bãi biển La Jolla. Em 52 tuổi. Thật ngỡ ngàng. Đó là một trong những bức ảnh của em mà anh thích nhất.

Anh đã ngắm bức ảnh rất lâu khi hai chúng ta về nhà, khi em hỏi anh rằng, liệu có khả năng em không bị mắc căn bệnh ung thư nào đó không. Em từng lo âu về điều đó từ hồi chúng ta đến Mỹ, nhưng em không muốn nói gì cho anh biết. Tại sao thế hả em? “Nếu phải chết, em muốn nhìn thấy California trước”, em chỉ bình thản nói với anh như vậy.

Căn bệnh ung thư màng trong dạ con đã không được phát hiện trong những lần kiểm tra sức khỏe định kỳ. Sau khi các chẩn đoán được thực hiện và thời điểm phẫu thuật đã được xếp lịch, chúng ta đến sống một tuần trong ngôi nhà do chính em thiết kế. Nơi đây, anh đã dùng một cái đục để khắc tên em lên một viên đá. Ngôi nhà thật tuyệt. Tất cả những khoảng không đều có cấu trúc hình thành. Từ cửa sổ phòng ngủ, chúng ta có thể nhìn xa ra, qua các ngọn cây.

Đêm đầu tiên, vợ chồng mình không ngủ được. Chúng mình nằm lắng nghe hơi thở của nhau. Có tiếng một con sơn ca bắt đầu cất tiếng hót, rồi một con nữa, từ nơi nào đó xa hơn, hòa giọng. Chúng ta thì thầm cùng nhau. Suốt cả ngày hôm đó, anh cuốc xới trong vườn và không ngừng liếc nhìn em qua khung cửa sổ phòng ngủ. Em đứng đó, bất động, thẫn thờ nhìn vào khoảng không. Anh biết, em đang cố làm quen với ý nghĩ về cái chết, để chiến đấu với nó một cách không sợ hãi. Khi lặng im, trông em xinh đẹp và quả quyết đến lạ lùng - một dáng vẻ mà anh không thể tưởng tượng được rằng, em sẽ đầu hàng cuộc sống.

Anh nghỉ việc ở tờ Le Nouvel Observateur để đến trông em trong phòng bệnh. Đêm đầu tiên, qua cánh cửa sổ rộng mở, anh nghe bản giao hưởng số 9 của Schubert. Nó lắng đọng, quyện chặt vào trong anh, từng nốt, từng nốt. Đến bây giờ anh vẫn nhớ từng khoảnh khắc trong cái phòng bệnh đó. Pierre, ông bạn bác sĩ của chúng ta - người mang đến cho anh những tin mới nhất về em vào mỗi sáng sớm - đã nói: “Anh đang sống trong những giờ khắc đặc biệt. Anh sẽ không thể nào quên được đâu”. Khi anh hỏi anh ấy về khả năng kéo dài sự sống cho em trong 5 năm nữa, câu trả lời của Pierre là 50-50.

Khi em ra viện, chúng ta đã trở lại căn nhà của mình. Tinh thần của em khiến anh phải rùng mình, khiến anh khẳng định thêm một lần nữa, rằng em vừa thoát khỏi cái chết và đang bắt đầu cuộc sống với một ý nghĩa mới, một giá trị mới. Một người bạn của chúng ta đã nhanh chóng hiểu được điều này khi anh ấy nhìn thấy em trong một bữa tiệc. Anh ấy đã nhìn thẳng vào mắt em rất lâu rồi nói với em rằng: "Tôi đã nhận ra chị ở một góc nhìn khác". Anh không biết em đã trả lời anh ấy ra sao. Nhưng sau đó, anh ấy nói với anh: “Đôi mắt ấy! Giờ thì tôi hiểu tại sao bà ấy lại quan trọng với ông như vậy”.

Em đã trở về từ nơi không ai trở về được. Anh nhớ một nhà thơ lãng mạn người Anh từng nói: “Trên đời, không có gì quý giá bằng sinh mạng”.

Trong những tháng em hồi phục, anh quyết định nghỉ hưu ở tuổi 60. Anh đếm từng ngày cho đến khi nhận được quyết định nghỉ việc. Anh vui vì được nấu ăn, được theo dõi những dấu hiệu cho thấy sức khỏe em bắt đầu trở lại…

Thật ngạc nhiên khi việc anh rời bỏ tờ tạp chí đã có 20 năm gắn bó không hề làm tổn thương đến bản thân anh cũng như những người khác. Anh nhớ, cuối ngày hôm đó, anh từng viết về một thứ duy nhất thiết yếu với anh: được ở bên em. Anh không thể tưởng tượng, mình có thể viết, có thể làm việc mà không có em gần cạnh. Em cần thiết cho anh đến nỗi, thiếu em, tất cả mọi thứ dù quan trọng đến mấy cũng sẽ mất ý nghĩa. Những lời này anh đã nói ở lời đề tặng dành cho em trong cuốn sách cuối cùng.

Đã 23 năm trôi qua kể từ khi chúng ta đến đất nước này sinh sống. Ban đầu, chúng ta sống trong nhà của em, một ngôi nhà luôn mang lại cho người khác cảm giác hài hòa. Nhưng sự hài hòa ấy chỉ tồn tại được có 3 năm. Người ta xây một nhà máy điện hạt nhân ở gần đó, khiến chúng ta phải chuyển đi. Vợ chồng mình tìm được một căn nhà khác, cũ lắm, nhưng rất mát vào mùa hè và ấm vào mùa đông. Ngôi nhà có một khoảng sân thật rộng, nơi em được dạo chơi thật hạnh phúc.

Em giấu những đau đớn của mình. Em không ngừng khuyến khích anh viết. Và trong khoảng 23 năm sống trong ngôi nhà đó, anh đã xuất bản 6 cuốn sách và hàng trăm bài báo cùng các cuộc phỏng vấn. Em đã trao cho anh con người em và cả cuộc sống của em. Anh muốn mình có thể trao cho em tất cả mọi thứ trong khoảng thời gian còn lại của chúng ta.

Em sắp bước vào tuổi 82. Em đã thấp đi 6 cm và chỉ còn nặng 45 kg. Nhưng em vẫn rất đẹp, rất lịch thiệp và đầy quyến rũ. Chúng ta đã sống cùng nhau 58 năm và bây giờ, anh cảm thấy yêu em hơn bao giờ hết. Anh mang bên mình một khoảng trống vắng vô cùng trong lồng ngực và chỉ có thể được lấp đầy bằng cơ thể ấm áp của em.

Thỉnh thoảng, trong đêm, anh nhìn thấy bóng của một người đàn ông vật vờ đi sau một chiếc xe tang, trên một con đường dài trống trải, giữa một khung cảnh hoàn toàn trống vắng. Người đàn ông đó là anh. Anh không muốn dự lễ tang của em. Anh không muốn nhận nắm tro tàn của em trong một chiếc bình. Anh nghe đâu đó giọng hát của Kathleen Ferrier và choàng tỉnh. Anh vội vàng kiểm tra hơi thở của em rồi giang tay, ôm lấy em vào lòng.

Cả hai chúng ta đều không muốn sống thiếu nhau. Vợ chồng mình vẫn thường tâm tình rằng, nếu có phép màu cho con người một kiếp sống nữa, chúng ta vẫn muốn có nhau".

Thứ Sáu, 20 tháng 5, 2011

Giận anh em ném niềm vui lên trời...

Lê Cát Trọng Lý, cô ca sỹ - nhạc sỹ trẻ tuổi tài cao. Nghe những bài của cô thật có cảm xúc. Giai điệu chân thành tự nhiên, ý tứ sâu sắc. Có những ẩn dụ mang tính triết lý về cuộc sống, nhân sinh, và xã hội.
Thử hỏi có một nhạc sỹ - ca sỹ 22 tuổi nào đã có những dòng thế này không?

giận anh, em ném niềm vui lên trời,
giận anh, em ném bình yên vào núi.
(Ghen)


hay những ẩn dụ nhân sinh rất hay

Tiếng người than...
Tiếng người vui...
Tiếng vọng trên cao xuống đời,

(Giấc mộng lớn)

Hay

Chưa ai ghé ngang đây mặt hồ tưởng lặng yên
Chưa ai hát câu ca về một miền tự do


(Chưa ai)


La la la la la la la... tôi yêu người em gái!
La la la la la la la... tôi thèm làm người điên!


(Nghe tôi kể này)

Một số người  đã hơi lạc quan nhận định Lê Cát Trọng Lý sẽ là Trịnh Công Sơn trong tương lai. Trước mắt Lý còn dài lắm. Nhưng giữa thời buổi bát nháo những thảm họa V-Pop: Da nâu, Tâm hồn là vĩnh cửu...và vô số bài rấc rưởi khác thì những tìm tòi của Lý rất đáng ngưỡng mộ.




Nghe tôi kể này


 

Nghèo

 

Giấc mộng lớn

 

Thứ Năm, 12 tháng 5, 2011

Điều bất ngờ

"Thoạt tiên, chú sẽ ngồi hơi xa ta một chút, như vậy vậy đó, nằm vậy đó trong cỏ. Như vậy đó. Ta sẽ đưa đôi con mắt tròn mà liếc nhìn chú, và chú sẽ không nói một tiếng nào. Ngôn ngữ vốn là cội nguồn của ngộ nhận…”


“Nhưng, mỗi ngày mỗi qua, thì chú mỗi có thể ngồi xích lại mỗi gần ta hơn mỗi chút…”

“Tình bạn là bạn hẹn ta lúc bốn giờ chiều, thì khởi từ lúc ba giờ chiều, cõi lòng ta đã bắt đầu sung sướng”

(trích "Hoàng Tử Bé")

Trước tiên, tôi buộc phải nói ngay với các bạn rằng: tôi là một gã trai chưa có vợ, kéo theo là chưa có gia đình.

Tại sao vậy? Là vì tôi để ý thấy, tiếp xúc với với bất kỳ ai, họ cũng hỏi tôi một lâu là: anh có vợ chưa? Họ luôn nhìn tôi với một thái độ, nói thế nào nhỉ, kinh ngạc xen lẫn chút thương hại, khi nghe tôi trả lời là “chưa”.

Họ làm như, việc cưới vợ lập gia đình là điều gì đó quan trọng nhất trên đời, mọi thứ khác đều là thứ yếu. Và thế là bất kể tôi đạt được nhiều thành công trong cuộc sống, trong mắt họ tôi vẫn là một kẻ đáng thương. Nhưng, thâm tâm tôi cho điều đó rất bình thường, dù gì tôi cũng chưa đến ba mươi!

Vào một buổi chiều lang thang trên mạng, tôi vô tình bắt gặp trang web của công ty "dịch vụ hẹn hò thần tốc". Bạn đã không còn trẻ? Bạn chưa có người yêu? Bạn giao tiếp không tốt? Bạn không có thời gian để kiếm một người yêu để đi đến hôn nhân? Hãy đến với dịch vụ chúng tôi, bạn sẽ nhanh chóng tìm được một cô người yêu như ý. Chà. Quả thiên hạ thông minh thật. Những gì mình chưa nghĩ đến thì họ đã biến thành hiện thực. Tôi quyết định làm khách hàng của họ, một phần muốn biết họ làm ăn thế nào và điều quan trọng hơn: biết đâu ta sẽ tìm được một cô người yêu vừa ý?

Sáng thứ bảy, tôi ăn vận khá bảnh, lần theo địa chỉ đi đến trụ sở công ty. Đó là một tòa nhà ba tầng khá khang trang. Một người đàn ông lịch sự cúi gấp xuống khi tôi bước vào phòng tiếp tân. Họ làm ăn đường hoàng thật, tôi nghĩ bụng. Ở đó đã có ba bốn chàng trai độ tuổi tôi đang ngồi ở hàng ghế chờ đợi. Họ có vẻ suốt ruột thông qua việc chốc chốc lại nhìn đồng hồ và đồng loạt dõi theo kỹ hành động cô tiếp tân. Tất cả đều lộ vẻ căng thẳng lóng ngóng, pha chút ngượng ngùng như những gã trai chưa có người yêu thường thể hiện.

Đến lượt tôi đối diện với cô tiếp tân, tôi cố tỏ ra một cách bình thường nhất; khi nhìn sâu vào cô tôi vẫn cảm giác một chút ngượng ngập; dường như cô cười cợt tôi thì phải: cái anh này chắc tệ lắm đây mới tới tìm tôi. Có lẽ không phải, những người tự ti thường cho rằng người khác đang nhạo họ!

Cô tiếp tân độ 25 tuổi, nhan sắc tương đối bình thường, được cái khuôn mặt ưa nhìn, thanh tú, và đặc biệt nụ cười có duyên. Cô nổi bật giữa đám đông bởi chiếc áo hồng đậm.

“Ở đây, chúng tôi cung cấp cho quý khách bốn loại cuộc tình: kiểu Mỹ, kiểu Hàn, kiểu Hồng Kông, và kiểu Việt Nam”.

“Trước hết phải thử kiểu Mỹ đã”. Tôi nghĩ thế, không đắn đo mua ngay một vé kiểu Mỹ. Một nhân viên công ty dẫn tôi vào một căn phòng trên lầu 2. Giữa căn phòng có một bức vách ngăn cách ra làm hai, thông nhau bởi những ô vuông. Mỗi bên có những ô nhỏ khoảng rộng gần 1 mét và cách nhau khá xa. Tôi được dẫn vào một ô trong số đó. Một cô gái từ phía bên kia bức tường trò chuyện với tôi. Đây là cách “làm quen trong 3 phút” mà tôi đã dược nghe cô tiếp tân quảng cáo.

“Anh có thường hay xem phim không?”, “Có, tôi thích nhất phim hành động Mỹ, còn cô”? “Tôi cũng vậy”. Phim ảnh, đó là thứ mà tôi yêu nhất trên trần đời này, thật không có gì vui hơn khi gặp người cùng sở thích. Tôi chấp nhận cô gái ấy. Nếu sau này tôi có không còn thích cô thì chí ít cũng có cái bám víu là cái sở thích phim ảnh trong cô.

Chúng tôi hẹn hò “kiểu Mỹ”, cô gái tôi quen thật bạo dạn. Bữa thứ nhất xem phim. Nàng chủ động nắm lấy tay tôi. Bữa thứ hai đi ăn tối, nàng gợi ý tôi tiễn về căn hộ. Đến bữa thứ ba thì chúng tôi đã làm cái điều mà không nói ra thì ai cũng biết(!). Bữa thứ tư, sau khi nghe tôi trình bày về cái ý định làm quen để tiến tới hôn nhân, nàng la lên “té ra anh quen em chỉ để đạt được mục đích của anh thôi à?”. “Ta chia tay nhau nhé”. Rồi nàng bước đi. Tôi cố ngăn lại, cố gắng liên lạc, nhưng đều bất thành. Từ đó tôi không gặp nàng thêm lần nào nữa. Nói chung những cuộc tình đến rất nhanh thì đi chóng vánh cũng không kém, tôi không hề chút hối tiếc!

Tôi lại thân hành tìm đến công ty môi giới lần nữa. Cũng cô gái có nụ cười có duyên với chiếc áo hồng đậm nổi bật đón tôi.

“Chào anh, việc hẹn hò của anh tiến triển tốt đẹp chứ?

Tôi cố tỏ ra nhẹ nhàng, nhưng vẫn không giấu được sự ấm ức một mức nào đó.

“Nếu đã tốt thì tôi đã chẳng tìm đến cô đây!”

Cô gái nở nụ cười ra chiều cảm thông.

“Vẫn còn nhiều cơ hội cho anh. Anh tiếp tục thử thời vận chứ?”

“Dĩ nhiên là có, nếu không thì tôi đã chẳng đến đây. Cô cho tôi “cuộc tình kiểu Hàn” đi.

Không phải chờ lâu, tôi được đáp ứng ngay một đối tượng hẹn hò kiểu Hàn sau 30 phút. Quả là, hẹn hò kiểu Hàn khác biệt và thú vị hơn kiểu Mỹ nhiều. Ngày đầu tôi và nàng đi dạo công viên, nhìn nhau, nàng e lệ. Lần hẹn hai, chúng tôi cùng nhau đi công tác xã hội mà nàng quan tâm. Lần hẹn ba, chúng tôi bước nhẹ trên những con đường vắng và mơn man gió. Tôi hoàn toàn hoài lòng. Duy chỉ có một điều: nàng hay giận dỗi tôi một cách khó hiểu. Nhiều lần, nàng để mặc tôi trong mưa gió bão bùng ở dưới cổng nhà nàng mà chẳng thèm quan tâm lấy một câu…

Tôi nói với nàng: “chúng ta kết hôn đi”. Nàng nhìn xa xăm “chúng ta chưa quen bao lâu mà, chưa hiểu nhau nhiều”. “Anh thấy là anh và em hợp nhau”. “Đơn giản thế sao? Có cần thiết thế không? Yêu nhau nhiều lúc chẳng cần kết hôn”. “Em có những việc thật khó xử. Hãy cho em thêm một thời gian…”.

Sau nhiều năm tình trường tôi nghiệm ra rằng nhẫn nại là đức tính quý giá ở một chàng trai…

Ừ, thì chờ…

Một tháng sau, bất ngờ tôi nhận được bức thư của nàng, trong thư nàng viết.

“Anh à, em bị một căn bệnh hiểm nghèo khó chạy chữa, không còn sống lâu. Em đã ở một nơi rất xa. Em muốn được yên tĩnh sống nốt những tháng ngày còn lại trong bình yên. Quên em đi…”

Thế là hết, tôi ngậm ngùi xa mối tình Hàn Quốc của mình.

Hơn một tháng để lấy lại thăng bằng, tôi lại tìm đến cái trụ sở có cô gái có nụ cười duyên dáng rực rỡ trong chiếc áo hồng đậm.

“Lại gặp anh rồi. Anh vẫn chưa gặp được người thích hợp hay sao?” – cô gái nhìn tôi nhoẻn cười, giờ thì thái độ gần gũi hơn hẳn.

“Đáng ra thì đã… nhưng bây giờ thì…”

Tôi trầm ngâm, nán lại xem có nên nói cho cô ấy biết thêm một vài sự thật hay không…

“Mà thôi, tôi đã đến đây rồi. Cô làm ơn cho tôi một vé mối tình Hong Kong…”

Cô gái nhìn chăm chú vào tôi rồi mỉm cười. Dĩ nhiên tôi được đáp ứng, vì tôi là “thượng đế” mà. Cô gái của kiểu mối tình Hong Kong khác biệt hẳn với hai cô gái trước kia. Nàng xinh tươi, hồn nhiên, lãng mạn nhưng cũng khá thực tế. Chúng tôi đã cùng nhau hẹn hò nhiều nơi: quán nước, công viên, quán café, trò chuyện rất hợp ý. Chừng vài tuần sau, nàng lại dẫn tôi đi gặp bạn bè.

Những lần sau cũng vậy, tôi ngập trong những mối quan hệ của nàng: rối rắm phức tạp. Mà khổ, tôi là người nội tâm, muốn nàng hãy dành cho tôi những khoảng lặng. Cuộc sống em rộn rã quá. “Anh thật không hiểu, tại sao em lại có thể quen với những người này”. Một lần tôi bực mình nói thẳng. “Tại sao em lại không thể? Đó là bạn bè của em. Anh phải tôn trọng”. “Nhưng nó khác biệt con người và môi trường em đang làm việc”. “Em không biết, ở bên họ em chỉ thấy vui vẻ”. Nguồn cơn việc tôi và nàng một ngày dần khác biệt là thế đó. Kết cục chia tay là điều không tránh khỏi.

Dĩ nhiên tôi buồn. Nhưng rồi nó cũng qua nhanh. Trời đất xui khiến tôi lại đến nơi cái trụ sở ba tầng, nơi có cô gái có nụ cười dễ thương cùng chiếc áo hồng ấn tượng.

Đã quá quen với khuôn mặt của tôi, cô gái nháy mắt rồi cười. Tôi thấy ở đó một sự thân thiện sau ba lần gặp gỡ. Trong khoảnh khắc đó, bỗng một ý nghĩ lạ lẫm thoáng qua trong đầu tôi, không hiểu trời đất run rủi thế nào mà tôi lại ghé hơi sát cô, nói nhỏ bằng một giọng đủ nghe:

“Em dễ thương lắm. Anh muốn được làm quen với em. Thật là vui khi anh biết số điện thoại của em…”

Cô gái thoáng bối rối, nhưng rồi định thần, mỉm cười ý nhị…

“Em chờ đợi câu nói đó lâu rồi…”

Chúng tôi nhìn nhau, tự nhiên mặt cô đỏ bừng.

Giờ thì tôi không kể tiếp. Chỉ biết là sau đó tôi quyết định thôi, không còn làm khách hàng của dịch vụ mai mối “thần tốc” nữa.

Thứ Sáu, 22 tháng 4, 2011

Thu đi - Autumn Leaves Nat King Cole

Lối hát chầm chậm, nhã chữ rất rõ, trầm buồn cùa Nat King Cole có sức hút kỳ lạ. Lời hát như chạm vào tận cùng cảm xúc. Chậm chậm lắng nghe - lắng nhìn mùa thu đi.
Không khó hiểu khi biết Murakami đã nghe những bài hát của Nat King Cole và đầy cảm xúc để viết nên một tiểu thuyết "Phía Nam biên giới, phía Tây mặt trời".

 

Chủ Nhật, 20 tháng 3, 2011

Bức tranh

"Bức tranh này thật đẹp!"

Anh chỉ lên bức tranh khảm lụa đang treo trên tường phòng khách nhà nàng trầm trồ. Bức tranh có bề dài độ 1 mét, khảm bằng thứ vải tốt nhưng đã úa màu vì thời gian. Nó mô tả một đàn nai vây trên khu rừng vắng trên những núi đồi đầy tuyết. Phía xa là ông mặt trời đỏ bị che khuất một nửa bởi đám mây nâu đen.

Bức tranh này chỉ có tính minh họa.

"Nó có tuổi thọ từ năm 1993 anh à, một người bạn của bố em đã tặng cho gia đình nhân dịp tân gia."

Thường thì bất kỳ thứ gì mang trong mình sức nặng của thời gian luôn khiến cho anh tò mò. Những đồ vật cũ kỷ anh chú tâm tìm hiểu hơn những đồ vật mới toanh. Anh nghĩ, nó hiện hữu ngày nay, để anh nhìn thấy, với những người chủ sở hữu nó, không chỉ đơn thuần là một vật dụng cần thiết tô vẽ không gian sống, mà nó còn mang nặng cả những kỷ niệm, in dấu những khoảnh khắc về một quảng đời trong cuộc đời của mỗi người.


Anh nhìn nàng trìu mến, nàng hiểu ý anh muốn hiểu nhiều hơn về lai lịch bức tranh.

"Bức tranh này đã theo suốt gia đình em gần 20 năm, và khi gia đình em chuyển vào đây, gia đình em không muốn mất nó, vậy là nó đã theo vào."

"Anh thấy nó đẹp chứ. Có một câu hỏi mà em muốn hỏi anh sau khi nhìn thấy nó!"

Nàng nhình anh cười tinh nghịch.

"Tất nhiên rồi. Anh tính, nó có từ năm 1993, nghĩa là lúc đó em còn là cô bé trẻ con, nó đã theo em chừng ấy năm tháng, đến bây giờ em đã lớn chừng này rồi. Thật là không dễ dàng gì để vứt bỏ nhỉ?"

Nàng quay sang nheo mắt nhìn anh.

"Mà em quý nó lắm."

"Anh có biết là thời điểm trong bức tranh diễn tả buổi chiều hay tối không?"

Anh nhìn  lại bức tranh lần nữa. Quả thật khó để biết thời điểm mà người nghệ sỹ muốn chuyển tải đến trong bức tranh là sáng sớm hay chiều tà? Trên các ngọn cây có vương tuyết trắng. Mặt trời thì mới nhô (hay mới lặn vào) dưới đám mây đen. Cả đàn nai vẫn miệt mài gặm cỏ, chơi đùa quanh một cái chuồng chỉ đơn sơ vài thanh gỗ nhỏ đan chéo nhau.

"Anh đoán là buổi sáng thì phải?"

"Tại sao?". Nàng lại nhíu mày.

"Em không thấy là tuyết còn vương trên các ngọn cây non đó sao? Cảnh sắc tươi tắn! Một buổi sáng mùa xuân, có lẽ vậy..."

"Anh cũng có lý đấy", nàng cười. "Nhưng em nghĩ là buổi chiều thì hợp lý hơn."

"Sao lại thế nhỉ?"

"Anh không thấy là đàn nai đang lục tục về tổ hay sao? Nàng trỏ vô định lên chính giữa bức tranh, nhưng ám chỉ vào những chú nai con trên nền tuyết tráng.

Quả là người họa sỹ tạo hình những chú nai đang có xu di chuyển về chuồng. Những bước chân sáo, xem chừng một ngày chúng kiếm ăn no đầy đang hoan hỉ về với tổ ấm.

"Anh không thấy mặt trời một màu đỏ ối hay sao? Đó chỉ là mặt trời của buổi chiều mà thôi!"

"Em có lý thật đấy. Chắc là em đã quan sát nó gần 20 năm, từng chi tiết bức tranh đã in sâu trong tâm trí của em rồi!"

"Anh cũng hợp lý, mà em cũng vậy. Cũng như có ai bắt buộc là chúng ta có cùng cách nhìn đâu nhỉ? Chỉ cần mỗi người tự thấy hợp lý, và người kia chấp nhận là được nhỉ?" Nàng lại cười, một nụ cười thật hiền hòa ấm áp. "Nhìn nó là em nhớ lại cả một tuổi thơ đã đi qua. Nhớ nhà xưa, khung cảnh xưa, những bạn bè xưa..."

"Những kỷ vật có tuổi, không tên, âm thầm không biết nói, nhưng luôn luôn như là những nhân chứng trung thành, lưu giữ cho chúng ta biết bao thứ không thể nào quên em ạ."

"Có thể là, một ngày nào đó, nhìn lại bức tranh, cái buổi tối thanh bình như vậy ngày hôm nay sẽ lại hiển hiện trong em đấy."

"Chắn chắn rồi, và từ bây giờ bức tranh đã thêm trên mình nó một sự kiện mới".

"Anh mong là: chúng ta sẽ chẳng bao giờ lãng quên cái buổi tối này, nó không được thất lạc trong ký ức mỗi người, nó không phải nhờ đến bức tranh mới khơi gợi lại. Hãy để những buổi tối yên bình, êm đềm như thế này sẽ đến mãi mãi, em nhé"....

Nàng nhìn anh, im lặng và mỉm cười. Và anh hiểu tự tận sâu nàng đã ánh lên một niềm vui,  và anh biết niềm vui đó đã được bồi đắp dần theo năm tháng...

Thứ Bảy, 5 tháng 3, 2011

Tản mạn về ngày 8.3

Ngày 8.3 lại đến, chúng ta lại có dịp nói về, trải qua ngày này đồng thời bày tỏ những tình cảm chân tình của mình với những người phụ nữ mà chúng ta yêu thương nhất.

Như thường lệ, báo Vnexpress lại lên trang những bài báo "văn phòng" http://vnexpress.net/gl/doi-song/mua-sam/2010/10/3ba21bc6/ hài hước về tình hình đón "8.3" của cánh mày râu. Để thấy ngày 8.3 đã trở thành một dịp lễ, gây nên một "hiệu ứng xã hội" rộng lớn.
http://i381.photobucket.com/albums/oo252/rainb0wkiss/50879.jpgTrong lịch sử văn minh xã hội, ban đầu loài người trải qua chế độ "mẫu hệ", nghĩa là trong gia đình người đàn bà làm chủ. Chế độ này ngày nay phần lớn lụi tàn, chỉ còn lại một vài dân tộc còn duy trì (ví dụ dân tộc gì mình quên tên có Nhà dài trong đó người đàn bà làm chủ, được phép cưới chồng, người chồng về ở với gia đình người vợ, và càng có nhiều phụ nữ cưới chồng thì nhà càng...dài ra). Nhiều người tỏ ra ngạc nhiên khi nghĩ loài người đã trải qua một thời "mông muội" vậy. Ban đầu nền kinh tế loài người chủ yếu là "săn bắn, hái lượm": người đàn ông ra rừng săn bắn hái lượm, mang thức ăn về, người phụ nữ phụ trách phân phát từng thành viên. Thành ra thời đó phụ nữ làm chủ gia đình là "mẫu hệ". Đàn ông có thể ra khỏi nhà nhưng người phụ nữ thì không, vì ngày đó họ nắm quyền "sinh sát".

Dần dần, người ta có nhiều biện pháp tích trữ lương thực. Việc phân chia lương thực không còn coi trọng bằng người tạo ra nó. Mà đàn ông mạnh mẽ, can trường hơn, và đặc biệt là người kiếm lương thực đóng vai trò quan trọng hơn. Từ chế độ "mẫu hệ", người phụ nữ làm chủ - chuyển sang chế độ "phụ hệ", người đàn ông làm chủ gia đình, và từ đó loài người dẹp luôn "mẫu hệ", sử dụng luôn cái chế độ "phụ hệ".

Người đàn ông đã mạnh mẽ (vì theo Kinh thánh nói là Thượng đế tạo đàn ông trước, phụ nữ sau nên phụ nữ mềm mại và yếu đuối hơn - thường thì cái gì càng hoàn thiện càng thiếu sức mạnh) càng mạnh mẽ, càng giữ vai trò quan trọng hơn. Các dân tộc đều có những câu danh ngôn, những "nếp nhà", thuần phong mỹ hòa nhịp đề cao vai trò nam giới. Ở VN có thể kể ra: "đàn ông xây nhà, đàn bà xây tổ ấm" - nghĩa là đàn ông ra đường kiếm tiền, phụ nữ ở nhà lo vun vén gia đình. Ngay cả trong chuyện yêu đương, người ta cũng dành sự chủ động cho người đàn ông nốt "ở đời trâu (trai) đi tìm cộc, chứ có cộc (nữ) nào đi tìm trâu...).

Châu Á là nơi đã đưa quyền lực của người đàn ông lên cao nhất chế độ "phụ hệ". Ông tổ tư tưởng Đông Á, Khổng tử cho rằng phụ nữ là chân yếu tay mềm - là khách má hồng - khách mang quần hồng "hồng quần". Ông ta khuyên quân tử (người con trai) nên tránh xa nữ giới. Ông ta đặt nữ giới ngang với phường tiểu nhân. Hễ ai mà vướng vào khách hồng quần là hỏng!

Người Châu Âu cũng coi thường phụ nữ không kém. Đạo Hồi của các nước Trung đông thì càng tệ hơn. Người ta bắt phụ nữ ra đường quấn khăn và phải "chính chuyên một chồng".

Càng về sau, nam giới càng thấy rõ được sức mạnh của phái  nữ. Một ví dụ điển hình là chẳng phải tất cả mọi người đều sinh ra từ phái nữ đó sao: họ có những hành động "vuốt ve", xem trọng phụ nữ hơn. Trâu phải đi tìm cọc, không có đời nào học tìm trâu, nhưng mỗi con trâu đều rất tự hào và hạnh phúc khi tìm được một cái cọc để trói buộc. Họ kháo nhau "đằng sau thành công mỗi đàn ông đều có hình bóng của một người phụ nữ!". Họ đồn nhau "của chồng - công vợ".... Họ chỉ nhận công lao bề ngoài, nhưng để giữ được, để vun đắp, để xây dựng, để làm cho họ sang thêm, thành công thêm thì chỉ có những người phụ nữ bên cạnh họ. Người Pháp có hẳn câu huấn thị nam giới "không được đánh phụ nữ, dù chỉ bằng một nhành hoa!".

Phái nữ cũng rộ lên với những "phong trào giải phóng  phụ nữ", "đòi nữ quyền"... vì họ hiểu được vai trò quan trọng của họ trong xã hội. Nam giới dần dần thừa nhận, và thỏa hiệp với những "ngày quốc tế phụ nữ", để cả xã hội tôn vinh những người phụ nữ âm thầm, nhưng công lao không ít trong xã hội.

Quốc tế có 8.3 là ngày mà cánh đàn ông bày tỏ tấm lòng với những người thương yêu xung quanh mình. Ngày mà người phụ nữ được coi trọng hơn bao giờ hết - thực ra đối với nhiều người (trong đó có miềng) họ cũng được coi trọng cả năm rồi. Việt Nam ta có ngày 20.10, ngày Phụ nữ Việt Nam. Dân mày râu Việt có thêm hẳn một ngày để mà quan tâm phái nữ...

Mình nhận thấy, xung quanh mình toàn những người phụ nữ dễ thương, chịu thương chịu khó, chăm chỉ. Họ âm thầm không xốc nổi. Họ suy nghĩ thấu đáo. Họ hiểu biết, họ đằm thắm, họ có lòng vị tha. Tuyệt đối chẳng phải như những bộ óc ông bà nhuốm màu Khổng lỗi thời: "đàn ông nông cạn giếng khơi, đàn bà sâu sắc như cơi đựng trầu"...

Suy cho cùng, hai thế giới đàn ông phụ nữ như âm dương của đất trời. Họ vui vì nhau, buồn vì nhau, thành công thất bại vì nhau. Họ có điểm mạnh điểm yếu riêng. Họ hòa quyện vào nhau: cả trong tình cảm gia đình, hay ngoài xã hội, giữ cho một xã hội hài hòa, sinh động và thật đáng yêu hơn!

Thứ Tư, 23 tháng 2, 2011

Đa chiều (1)

1. Mấy hôm rày bắt đầu công việc tại MobiFone TT6. Sáng 6h15 ra khỏi nhà, chiều đúng 6h15 về đền nhà. Công việc cũng nhiều khiến mình không có thời gian nhiều lướt web như trước nữa. Dù vậy, cũng vẫn có vài điều vui vui muốn chia sẻ..

2. Sáng 6h15, ra đến Văn Thánh đón xe công ty đi làm. Có nhiều anh chị cùng đi trên chuyến xe đó. Anh Phúc, chị Đào...phòng KHBH, Hưng phòng KT, anh Tuấn phòng Kỹ Thuật... Sáng dậy sớm làm vội bát hủ tiếu và một ly sữa ở ngõ Văn Thánh rồi lên xe đi. Có người đến sớm, có người đến trễ, có người có hôm thư thả, có người vội vàng...nhìn chung mọi người đều có những nổi niềm chung là sự bỡ ngỡ khi phải lên xe đi một quảng đường 30km mới đến sở làm nhưng ai nấy đều vui vẻ với một sự nhiệt huyết hiếm có.Trong mắt mình tất cả đều thân thương. Xa TT2 nói chung là cũng hơi bùn, nhưng như một ý đã nói TT2, TT6, TTC tất thay đều thuộc VMS. Và điều hơn hết là cố gắng làm việc tốt.
http://dvtv.vn/Upload/tintuc/thoi-su-trong-nuoc/-5-nm-thc-thi-lut-cnh-tranh-trong-kim-soat-hanh-vi-hn-ch-cnh-tranh--vit-nam/phan-tich-doi-thu-canh-tranh.jpg
3. Một chuyện mà mọi người hay bàn nhau, mình đi nhiều nơi mọi người cũng hay nói tới là dạo này mở báo ra đọc thấy người chết nhiều quá. Vụ tàu đâm người xe trên đường ray ở Biên Hòa, vụ chìm tàu ở Hạ Long, vụ 9 thanh niên chết ngạt vì ma túy ở Hải phòng, và đặt biệt là vụ nhà báo Hoàng Hùng bị người vợ nỡ ra tay thủ ác... Vẫn biết thời đại CNTT, tin tức truyền đi nhanh chóng, cái xấu dễ lan đến tay mọi người hơn, nhưng tất thảy mình hình dung mọi người đều sợ . Ấy là những cái xấu, những mầm móng tai họ diễn ra khắp nơi: mà hai lý do cơ bản là do cẩu thả của con người , cũng như tình người với nhau nhạt đi...dĩ nhiên là so với ngày xưa.
Thật khó tưởng tượng được một người phụ nữ xinh đẹp, nỡ xuống tay với người chồng đã từng chung gối với mình. Có nhiều lý do để lý giải điều đó, nhưng có một điều ai cũng nhận ra: đó là cái những cám dỗ trong xã hội (trong trường hợp này là bài bạc) đã khiến những con người vốn bình thường, hiền lành, đi đến những ngõ cụt không ngờ tới để rồi làm những việc vô lương tâm...

4. Đọc báo thấy tổng thấp Hosni Mubarack của Ai cập đã từ chức dưới sức ép của người dân. Nâng thuyền cũng là dân, lật thuyền cũng là dân. Người dân bao giờ cũng cái lý của họ, và khi dân nổi can qua thì họ dám đứng dậy đấu tranh để lật đổ một người dù rằng trước đây có công lao với họ nhưng đã bị thoái hóa biến chất (ấy là nói theo lời của ở ta). Tài sản của gia đình Mubarack: có truyền thông nói lên tới 60-70 tỉ đô, có thể con số đó không chính xác nhưng chắc hẳn là một con số khổng lồ. Và tiền ấy lấy đâu ra? Không lời lý giải nào đúng hơn cho nguồn gốc số  tài sản ấy là tham nhũng. Tham nhũng đến từ những người có quyền có chức. Nghe đâu Mubarack còn không muốn thoái vị, muốn đưa những người thân thích của ông vào vị trí có quyền lực ở đất nước Ai Cập. Hẳn chúng ta đều biết Ai cập là một nơi phát lộ một trong những nền văn minh đầu tiền trên thế giới, ắt hẳn trong văn hóa của họ có những chổ cho tiến bộ, và dĩ nhiên, việc Mubarack từ chức tuy đã muộn, nhưng muộn vẫn còn hơn không là một sự kiện hợp lý.
Thời nào, ở đâu, những người có quyền chức bao giờ cũng muốn tham quyền cố vị. Lại nhắc lại một câu ca dao trong dân gian mà mình đã nhắc từ lâu: "con vua thì lại làm vua/con sải ở chùa thì quét lá đa/bao giờ dân nổi can qua/con vua thất thế lại ra quét chùa"... Có lẽ những lời truyền trong nhân gian thường đúng.

Bill Clinton cũng có nói: cuộc đời vốn đã không công bằng, vậy ta đừng nên than vãn về chuyện không công bằng đó. Nghĩa là hãy chấp nhận cuộc sống như vốn đã có và vươn lên. Chẳng ai biết là cuộc đời không công bừng với bạn những gì, họ chỉ nhìn vào những gì bạn làm được. Và chắc phải nhắc lại: khi chưa có thành tựu thì bạn nên dẹp những sỹ diện hảo lại.

Tựu trung trong suốt cuộc đời của mỗi người là học cách xem mình là một người bình thường như mọi người, chẳng có gì nổi trội cả. Xem ra câu này thật đúng.

4. Đọc báo thấy ở Nam định có hội lễ Khai Ấn ở Nam định: là lễ hội mà người ta đến để viếng và dĩ nhiên trong tâm tưởng cầu xin những thuận lợi may mắn trong một năm: cụ thể là thăng quan tiến chức. Trong khi các nhà sử học tranh cãi về tính xác đáng của lễ hội đó thì người ta vẫn tổ chức và người ta vẫn nườm nượp tham dự tạo nên những bi hài kịch không thấy. Lại có lẽ thời nào cũng thế, quyền lực chức tước có một hấp lực mãnh liệt đối với những người bình thường. Mà mình không dám nhận là mình là người không bình thường, chỉ là một người bình thường trong suốt vô vàn những người khác.

5. Valentine: ngày dành cho những người iu nhau tỏ tình với nhau. Ngày này người ta thổ lộ những tình cảm thiêng liêng sâu kín nhất dành cho nhau. 20h tối mình ra tiệm hoa vẫn nườm nượp người. Có một cảm nhận là dù cuộc sống quay cuồng, người ta vẫn dành rất cả những gì tốt đẹp cho người mình yêu. Dù một ai đó cả năm trời bận rộn với lo toan, công việc, với những toan tính,những hoài nghi về những người mình yêu, đến ngày đó vẫn nghĩ lại và cố gắng thể hiện những tình cảm đằm thắm nhất.

Mình đọc blog, có nhiều gã trai, cô gái u30-u40 thấy chạnh lòng không khí Valentine tưng bừng khi họ đã yên bề gia thất. Valentine đối với họ là những gì xa xỉ, thì trong sâu thẳm họ vẫn muốn những người bạn đời của họ dành họ những thể hiện, dù chỉ là một bông hoa nhỏ, hay  một lời hẹn đi ăn tối, chỉ có đôi ta. Cũng có anh khuyên rằng: một khi đến tuổi nào đó Valentine là một điều gì đó có vẻ đồng bóng, lãng mạn hão trong mắt bạn, vậy thì ngày hôm nay khi bạn còn trẻ: nghĩa là khi ta đang còn Teen, u20, hay là thậm chí chưa lập gia đình thì hãy thể hiện hết mình, như những gì mình muốn với người mà mình yêu. Và không ai chê trách về điều đó cả. Và có lẽ, mình cũng đã thực hiện như vậy...

6. Cái gì nhỉ? Mấy hôm nay tình trạng mình vui buồn lẫn lộn. Lúc vui lúc buồn. Việc công việc tiến chuyển thật tốt đẹp. Dĩ nhiên còn nhiều điều đáng lo nghĩ. Cái gì mình không với tới được, hay một sự mất mát luôn khiến người ta luôn ám ảnh và hằn thật sâu vào ký ức người ta. Đã một lần, hai lần, và dĩ nhiên mình lại e ngại điều đó xảy ra. Nhưng lần này thì khác rồi. Hãy để mọi chuyện thật tự nhiên.

7. Hôm nay đi uống bia với một người anh. Anh ấy có nói là: hãy sống vui vẻ với mọi người, đừng lo nghĩ gì nhiều. Để làm chi? Để đến một lúc nào đó mọi người gặp lại mình và nở một nụ cười. Để khi ốm đau lại có ít nhất vài người thăm hỏi. Để khi mình đến tận cùng đáy cuộc đời thì cũng vẫn có những người bạn tốt.

Giờ thì phải làm theo châm ngôn một cuốn sách: hãy quảng nỗi lo đi và vui sống!

Thứ Sáu, 18 tháng 2, 2011

...vì nàng đẹp như một bông hồng...

Xưa, hồi những năm học cấp ba, hay nghe bài hát tiếng Pháp nổi tiếng từ những năm 60, nghe đâu đạt giải nhất Eurosong 1963 thì phải: Elle etait si jolie. Dịch qua tiếng Việt là: "Vì nàng đẹp như một bông hồng", hay "em đẹp như bông hồng". Quả đúng là nhạc Pháp: nhẹ nhàng, sâu lắng, say đắm và nghe rất cao sang. Ca từ dịch sang tiếng Việt nghe đâu của Phạm Duy cũng rất hay. Nhiều ca sỹ Cover bài này: Duy Quang, Thanh Lan. Đặc biệt có một bản không biết ca sỹ nào hát từ những năm trước 1975, với những hình ảnh Sài Gòn xưa lịch lãm và nhạc dạo i như âm nhạc trong phim "Ván bài lật ngửa".


http://trancaovan6875.files.wordpress.com/2010/07/bong-hong-cai-ao.jpgVì nàng như một bông hồng (tiếng Pháp)


Vì nàng đẹp như một bông hồng (tiếng Việt) có cảnh SG xưa...



Vì nàng đẹp như một bông hồng
Nên tôi không dám yêu nàng
Ôi đôi môi cười như cánh lan
Bao năm tôi khó nguôi quên



Mình cứ tưởng tưởng: một cô gái đẹp, một chàng trai gặp gỡ và say đắm: yêu và say đến điên cuồng. Nàng đẹp như một bông hồng, bông hồng rực rỡ trong đời: khi nàng cười là cả bừng sáng một khoảng trời. Đặc biệt trong mắt kẻ si tình thì ngây ngất không chi bằng. Nàng đẹp, và kiêu kỳ, khiến chàng ngẩn ngơ. 

Chủ Nhật, 13 tháng 2, 2011

Xuân, Hạ,Thu, Đông...rồi lại Xuân...(*)

Thứ bảy bắt đầu những công việc đầu tiên tại TT6 MobiFone - Biên Hòa. Công việc khiến mình đi nhiều hơn những ngõ ngách đường phố Biên Hòa. Thật sự, kể từ lúc học xong Trung học đến giờ, mới có thời gian để ý hơn đến Biên Hòa, quả thật Biên Hòa ngày nay khang trang hơn, đường sá rộng hơn, người đông đúc, giàu có hơn cái hồi mà mình mới chân ướt ráo vào miền Nam.

Cà phê Góc phố - sáng thứ bảy, bất ngờ gặp bạn Cường và hai chị em cô bạn mà bạn í đang đeo đuổi. Nói chuyện xem phim, những bộ phim đang chiếu trong dịp Tết: Công chúa tóc mây, Cô dâu đại chiến... Cường bảo: chờ mày review một bộ nào đó rồi tau đi xem. Nhìn lại đã lâu mình không có review bất kỳ bộ phim nào. Những bộ phim mình đã xem qua, nhưng ít có bộ nào đọng mãi trong tâm trí. Những bộ phim hài hước nhẹ nhàng, xem đó rồi cười đó, khóc đó, rồi tuốt tuột tuột chạy khỏi trí nảo một cách vô tình nhất...

Một cái tết đã qua, chúng ta đang sống trong những ngày đẹp nhất của mùa xuân chín. Mùa xuân, mùa đẹp nhất trong năm, mùa được ví như tuổi trẻ, giai đoạn đẹp nhất của đời người. Xuân qua, Hạ tới, Thu sang, Đông về...rồi lại Xuân...bốn mùa trong năm, nối tiếp nhau đến, dắt tay nhau đi không ngừng nghỉ, nhưng không hề vô tình, nó chứng kiến bao điều hỉ, ái, nộ của con

Thứ Ba, 8 tháng 2, 2011

Kinh tế hài hước...


Ấn tượng ban đầu của cuốn sách: nguồn nguộn những nhận định rất đời thường, gây ngạc nhiên; đầy rẫy số liệu và cách lý giải hiện tượng xã hội rất hợp lý tình. Những nhận định như: nhà lãnh đạo là những người gian lận nhiều hơn? Tại sao bị phạt lại làm cho người ta phạm lỗi nhiều hơn? Tại sao người ta gian lận? Và, bản tính thiện là một bản tính khởi nguồn của con người…khiến bất kỳ ai cũng tò mò. “Kinh tế hài hước” không đế nỗi quá dày (chỉ độ gần 400 trang sách khổ trung). Sách do Stephen J. Dubner. Steven D. Levitt , nhà kinh tế học [được giới thiệu là] trẻ tuổi xuất chúng của nước Mỹ chấp bút. Bìa trước bìa sau, lẫn những trang đầu đều là những lời giới thiệu có cánh của các tờ báo lớn, dĩ nhiên là để sách bán chạy, phần nào đó làm người đọc cũng cảm thấy háo hức.
Chúng ta đều biết ngành Kinh tế học là ngành học khô khan, chi chít những con số, những lý thuyết, nếu không có một kiến thức nhất định về toán học, về kinh tế căn bản chúng ta khó có thể hiểu được. Đó là những lý thuyết được viết bởi các nhà kinh tế học hàn lâm. Nhưng Levitt có cách tiếp cận khác, anh đi thẳng vào cái mục đích tận sâu của Kinh tế học là giải thích cách mà mọi người có được cái họ muốn. Anh tò mò, quan sát, thu thập dữ liệu hàng năm trời, để đưa ra những hiện tượng kinh tế xã hội đang vận hành thông qua những con số và khám phá ra những quy luật mà mọi người không ngờ tới. Những quy luật đó có vẻ như đời thường, và có chút hài hước, tầm thường. Có lẽ vì thế mà anh đặt tên là “Kinh tế học hài hước” theo nghĩa tiếng Anh là Freakonomics. Và mọi điều dần sáng tỏ dưới những diễn giải cặn kẽ tỉ mĩ, và logic của tác giả thông qua những quá trình hình thành hiện tượng, những khía cạnh được chỉ mặt điểm tên thông qua những phân tích dựa vào những con số thu thập được.
Có thể nói: đạo đức học là thể hiện cách mà người ta muốn thế giới vận hành. Trong khi đó, kinh tế học lại là thể hiện thực sự cách mà thế giới vận hành. Rút cuộc, kinh tế học bùng nhùng những thứ như: việc làm, tiền tệ, chứng khoán, đầu tư, tăng trưởng. Nhưng nếu biết cách chung ta có thể áp dụng những công cụ đơn giản của Kinh tế học vào những công việc thú vị hơn.
Theo đó, Kinh tế học hài hước với quan điểm chỉ ra một vài ý tưởng mà thế giới thực sự vận hành, với các ý tưởng chính sau:
1.       Động cơ, là hòn đá tảng, là căn bản với mọi hành động trong cuộc sống. Theo ý nhà Phật nói, nhân nào thì quả ấy. Động cơ, giống như là nhân, động cơ nào thì sẽ thể hiện kết quả vậy. Động cơ thực sự là yếu tố để giải quyết mọi hiện tượng diễn ra: bạo lực, gian lận thể thao hay hẹn hò qua mạng…
2.       Có thể lấy một ví dụ mang tính hài hước sau: Một nhà giữ trẻ quy định 5h là phụ huynh bắt đầu đón con, thực tế có vài phụ huynh tới đón con trễ. Nhà trường rất phiền hà về chuyện này và quyết định: nếu mỗi phụ huynh đón con trễ thì sẽ bị phạt 3 đô la cho mỗi 30 phút. Kỳ lạ là từ khi có luật đó, tình hình phụ huynh đón con trễ không giảm mà có chiều hướng tăng thêm.
Lý giải điều kỳ lạ này, người ta dựa vào động cơ: động cơ cố gắng tới đón con đúng giờ là “động cơ đạo đức” trong khi đó, động cơ này được thay bằng một “động cơ tiền bạc” khi nhà trường đưa ra chính sách phạt tiền. Khi động cơ thay đổi thì kết quả thay đổi. Thực sự là mỗi phụ huynh cảm thấy yên tâm tới trễ hơn khi đã bị nộp phạt, còn hơn là bị vướng vào cái động cơ đạo đức, do đó người ta ít nỗ lực đến đón con đúng giờ hơn.
3.       Những nhận thức thông thường thường sai. Do đó người ta phải giải thích một hiện tượng xảy ra không bằng một nhận thức thông thường ví dụ, người ta thường cho rằng uống 8 ly nước là làm cho người khỏe ra, thực sự điều này chưa bao giờ đúng. Vậy nên, chúng ta phải thực sự nhìn thấy những bản chất sâu xa của vấn đề, tránh bị vấp phải cái bẫy “nhận thức thông thường”.
4.       Do đó, nhiều khi một hiện tượng xảy ra bắt đầu từ một nguồn gốc sâu xa.
5.       Chuyên gia dù là gì đi nữa, thì cũng luôn lấy thông tin để phục vụ cho mục đích của chính họ.
6.       Biết rõ cái gì và phải đo lường thế nào trong một thế giới phức tạp để có những cách nhìn giải quyết thế giới đơn giản hơn.
Dựa vào quan sát, thu thập số liệu, và phân tích, tác giả đã đưa ra những kết luận ngạc nhiên: người giáo viên chấm bài và đô vật Sumo giống nhau ở chổ nào? Đó là cùng giống nhau ở chổ gian lận. Đông cơ: thành tích. Những con số không bao giờ biết nói dối, và sự thực bằng cách nghiên cứu những con số khách quan, tác giả đã rút ra những nguyên tắc để nhận biết gian lận một cách rõ ràng. Nhưng tại sao mà người ta gian lận, và gian lận bằng cách nào?
Tác giả của câu chuyện “Người bán chiếc bánh vòng”, Feldman đã có giải thích cho hiện tượng cao siêu này. Feldman là người bán bánh vòng tự động. Ông cung cấp bánh vòng cho các tòa nhà văn phòng nhiều nhân viên và họ phải trả tiền một cách tự giác. Dựa vào số lượng bánh vòng bán ra và số tiền thu về, Feldman đã có những kết luận về những quy tắc gian lận. Ông đơn giản lấy tỉ lệ của tổng số chiếc bánh vòng thu được tiền và tổng số bánh vòng bán ra và thông qua cái tỉ lệ đó để kết luận việc tăng hay giảm gian lận. Mà đây là kết luận về sự gian lận của giới “cổ cồn trắng” – tức giới văn phòng, mà đa phần các bạn đọc đây là một thành viên trong đó. :D
- Các công ty nhỏ thường ít gian lận hơn các công ty lớn. Cũng giống như ở nông thôn sẽ ít tội phạm hơn một lý do là ở các công ty lớn sẽ ít bị phát hiện hơn nên dễ phạm tội hơn.
- Tình trạng thời tiết cũng ảnh hưởng đến độ trung thực: thời tiết dễ chịu làm người ta dễ dàng trung thực hơn, thời tiết khắc nghiệt như nắng nóng, lạnh khiến người ta dễ gian lận hơn. Những ngày nghỉ chỉ đơn thần là có số ngày nghỉ thì ăn gian ít hơn là những ngày nghĩ kèm theo lễ hội, người ta bị nhiều mối lo toan và mong chờ từ người thân.
- Feldman cũng đưa ra một số kết luận về gian lận (đạo đức) và vị trí cấp bậc trong tổ chức. Ông thấy, người giữ chức vụ cao hơn là người gian lận nhiều hơn. Có lẽ điều này là do tính thái quá về quyền của người lãnh đạo.
- Nhưng một kết luận quan trọng mà Feldman khẳng định có tính triết học: phần lớn người ta không ăn gian, ngay cả khi không có người giám sát. Khổng Tử nói: “nhân chi sơ, bản tính thiện”. Hay Socrates nói là: con người bản tính lương thiện ngay cả khi không có quy định ràng buộc. Như vậy, về mặt tin tưởng vào tính thiện con người, Feldman đã có được con số là ít nhất 87% người ta trung thực một cách tự nhiên. Ngạc nhiên không?.
Còn rất nhiều những phân tích logic, lý giải mang tính hài hước nhưng đúng đắn của các hiện tượng xã hội đã xảy ra như chuyện về băng đảng 3K phân tích mối quan hệ giữa thông tin thực và thông tin đại chúng và tác động của thông tin. Phân tích những đứa trẻ bán ma túy tại sao không sống cùng mẹ để đưa tới một kết luận là trong một môi trường khắc nghiệt, thậm chí ban đầu kiếm lợi ích ít ỏi nhưng vẫn có hàng ngàn hàng vạn kẻ đâm đầu vào để ước một ngày nào đó leo lên đỉnh quyền lực (mô hình kim tự tháp), động cơ về một mối lợi lớn khi mà chi phí bỏ ra ít thì có nhiều người cùng đâm đầu vào.
Có một khái niệm mà tác giả cũng đưa vào là “nhận thức thông thường”. Đây là khái niệm để chỉ chúng ta thường gắn liền chân lý với những gì thuận tiện, dễ dàng, những tương đồng phù hợp với cá nhân gắn liền với lợi ích chúng ta tránh gây phiền toái vốn trong một cuộc sống phức tạp. Như vậy “nhận thức thông thường” cũng không bao giờ đúng và cũng không hẳn là sai. Trong mỗi trường hợp thì con số thống kê sẽ nói lên tất cả.
Nói chung, đọc “Kinh tế hài hước” để thấy được những gốc khuất của cuộc sống, và thực tế cuộc sống đang diễn ra dưới lăng kính của những phương pháp đo lường kinh tế đơn giản. Từ đó chúng ta sẽ phát hiện ra những bất ngờ thú vị trái với “nhận thức thông thường”.

Kinh Tế Học Hài Hước
Nhà xuất bản: Nxb Tri Thức