Thứ Năm, 30 tháng 6, 2011

Tôi yêu tiếng nước tôi

Tôi yêu tiếng nước tôi, từ khi mới ra đời
(Phạm Duy)


1. Tình ca, có lẽ là bài hát nổi tiếng nhất của Phạm Duy. Có thể nó không phổ biến bằng “Tình ca” của Hoàng Việt mà chúng ta hay nghêu ngao hát trong những bữa tiệc vui, trong những trận Karaoke hoành tráng. Cảm hứng âm nhạc và nội dung hai bài hoàn toàn khác nhau. Tình ca Hoàng Việt viết về tình yêu đôi lứa trong hoàn cảnh đất nước chia cắt, khát khao hòa bình thống nhất, khát khao sum họp. Tình ca của Phạm Duy viết về tình yêu đất nước. Khi nghe bản tình ca này chắc chắn bạn sẽ thêm yêu quê hương đất nước hơn.

2. Mình biết NS Phạm Duy đã lâu, nhưng nghe ông khá muộn. Thấy báo chí nhắc đều đến ông nên cứ tò mò “không biết cái ông ấy sáng tác bài gì hay mà người ta trọng vọng thế”. Nhớ năm 2004, mở cuốn sách giáo trình ĐH của cô bạn học ngữ văn, thấy người ta dành cho ông những lời lẽ không hay, hơi ngạc nhiên. Năm 2005, ông quyết đinh về ở hẳn Việt Nam, gây không ít những tranh cãi của nhiều người thuộc nhiều phe phái khác nhau. Theo mình biết thì quan điểm chính trị của ông qua các thời kỳ…có nhiều thay đổi. Nhưng thôi không quan tâm đến những điều đó. Nghe những bài hát của ông: Tình ca, Ngày xưa Hoàng Thị, Đưa em tìm động hoa vàng, Bà mẹ Gio Linh…mới hiểu rằng vì sao trong âm nhạc người ta thường xếp ông với những Trịnh Công Sơn, hay các NS với nhiều NS tiền chiến nổi tiếng khác như Nguyễn Văn Thương, Đoàn Chuẩn – Từ Linh, Nguyễn Văn Tý... Tất cả đều hay, xúc động, mang nét hoài niệm xưa. Ông viết nhiều về tình yêu đôi lứa, về tình yêu quê hương đất nước, về những người mẹ, những người lính. Lời ca đẹp, giai điệu mượt mà sâu lắng….nói chung là rất riêng. Còn riêng thế nào, xin để những nhà phê bình âm nhạc…có việc mà làm.

Entry này không nói chuyện âm nhạc, cũng không phải nói chuyện NS Phạm Duy. Nhân nghe bài Tình ca, mình có cảm hứng viết một entry về đất nước Việt Nam, đất nước của chúng ta. Những ghi chép lộn xộn, xù xì , một vài suy nghĩ về những câu chuyện cổ tích, những bài hát, bài thơ, hay những câu chuyện sự kiện đời thường hi vọng mang lại một vài lát cắt, góc nhìn về hình ảnh đất nước.


3. Chuyện Thánh Gióng: Gióng nguyên là một đứa trẻ lớn hoài vẫn chưa hết hơi sữa. Lên ba vẫn không biết nói, không biết khóc, không biết cười đặt đâu nằm trơ trơ ra đó. Khi có giặc đến, Gióng lớn nhanh như thổi, cỡi ngựa, mang roi sắt giết giặc cứu nước. Đất nước ta sống bên cạnh bên láng giềng khổng lồ TQ, mang tiếng là nhược tiểu, luôn bị TQ nhòm ngó thôn tính, chiến tranh liên miên. Gióng bình thường thế, lúc có giặc lại có một sức mạnh thần thánh. Chi tiết mọi người dân góp gạo nuôi Gióng biểu trưng cho sức mạnh của dân tộc, nhân dân ta, sức mạnh của sự đoàn kết là vô địch. Hình ảnh Gióng lớn nhanh như thổi khi có giặc Ân gợi rằng dân tộc ta chỉ chỉ thực sự mạnh khi phải chống chọi với giặc ngoài, dân tộc ta thực sự đoàn kết khi phải đối đầu với ngoại bang. Phải chăng việc Gióng lên ba mà vẫn chưa lớn phù hợp với câu thơ "đất nước 4000 vẫn còn trẻ" mà mình đã từng nghe đâu đó chăng?

4. Chuyện Sơn Tinh - Thủy Tinh. Nội dung câu chuyện, chắc ai cũng biết. Nếu nói theo ngôn ngữ ngày nay thì đây là chuyện tình “tay ba”. Hai chàng trai cùng đều tài giỏi. Sơn Tinh con của thần núi, Thủy Tinh con của thần sông, chiến đấu giành người đẹp. Sơn Tinh may mắn hơn, được lấy công chúa. Thủy Tinh hận tình làm mưa làm gió đánh Sơn Tinh cướp công chúa. Sơn Tinh là thần núi nên, “nước dâng cao bao nhiêu, thì núi cao lên bấy nhiêu”. Sự việc đã diễn ra ngàn đời nay. Cô giáo dạy văn cấp hai ngày xưa dạy mình rằng, đây là tiêu biểu cho ý chí của nhân dân ta, luôn luôn biết vươn lên chống chọi với thiên tai địch họa, để xây dựng một cuộc sống ấm no…. Dân tộc ta từ xưa chủ yếu kinh tế thuần nông, bão lũ, hạn hán thường xuyên, nên mong ước của dân ta ngày xưa thế cũng là hợp lý thường tình.

5. Vũ Thị Thiết, người con gái Nam Xương, có chồng là chàng Trương Sinh, vốn tính hay đa nghi. Chồng đi đánh giặc, Thiết ở nhà nuôi con thơ mẹ già. Chiến trận kết thúc Sinh về nhà, nghe lời ngây thơ của đứa con lên ba nghi ngờ vợ mình ngoại tình (đây là thuộc típ chuyện hôn nhân gia đình viết theo kiểu xưa..). Uất ức, để chứng tỏ lòng trung tiết của mình, Vũ Thị Thiết trẫm mình xuống sông tự vẫn. Người đã chết đi, khó sống lại. Trong sương mờThiết theo đó mà dần xa, xa rời Sinh, xa rời chốn trần thế lắm thị phi. Vũ Thị Thiết, một người phụ nữ đúng theo truyền thống của phụ nữ Việt Nam ngàn đời nay. Còn nhớ, lúc giảng bài này, cô giáo dạy văn hỏi cả lớp một câu, đại để là theo các em nguyên nhân nào khiến gia đình Sinh gặp bất hạnh, mẹ già chết, vợ tự tử, phải sống cô đơn. Lúc đó mình và các bạn đua nhau phát biểu, do Trương Sinh đa nghi, do đứa trẻ lên ba nói nhăng nói cuội, do bà mẹ Sinh chết. Cô giáo nói, tất cả trên đều đúng, nhưng chưa phải là cốt yếu. Tất cả là tại chiến tranh, chiến tranh bắt Sinh phải đi lính, chiến tranh làm gia đình họ chia ly, chiến tranh làm gia đình họ hiểu lầm. Nhân dân ta yêu hòa bình, nhiều khi phải nhín nhận để được hòa bình, lúc không thể thì mới vùng dậy. Nhưng số phận nó không cho phép dân tộc ta như thế, chiến tranh liên miên, hiếm khi nhân dân được sống trong cảnh thanh bình thực sự. Chiến tranh gây bao mất mát, và người thiệt thòi thường là phụ nữ...

6. Trường ca “Bên kia sông Đuống”, “quê hương ta lúa nếp thơm nồng”, “màu dân tộc sáng bừng trên giấy điệp”, bà con ta sống an bình quây quần bên những ngôi làng cổ kính, bên những dòng sông êm đềm, đi sớm về khuya chăm vun ruộng lúa tốt tươi, thẳng cánh cò bay, đời sống tinh thần phong phú với “những hội hè đình đám”. “Những cô hàng xén răng đen, cười như mùa thu tỏa nắng”, tượng trưng cho những gì bình dị,dân dã của nông thôn nước ta. "Em ơi buồn làm chi", anh sẽ đưa em về bên kia sông, không còn là con sông Đuống ở Bắc Ninh quê nhà của Hoàng Cầm, mà có thể là một con sông nào đó khắp Việt Nam thân yêu…Nay đã hiếm dần những tiếng "chuông chùa văng vẳng"

7. Mình ám ảnh bởi nạn đói năm 1945, tuy rằng lúc đó mình chỉ là tro bụi. Loạt tư liệu mà báo Tuổi Trẻ đăng năm 2006 đã mang đến cho mình những thông tin khủng khiếp về nạn đói. Kinh hoàng, thảm khốc, thê lương. Đó là những ấn tượng mà người chứng kiến kể lại. Mình thường tưởng tượng đồng bào ốm o vật vờ ngất ngưỡng trên các nẻo đường đầy xác người. Nam Cao viết trong truyện ngắn “Đôi mắt”: đây là nạn đói mà có lẽ đến năm 2000, con cháu chúng ta kể nhau nghe vẫn còn thấy rùng mình. Nay đã là năm 2008, chắc chắn chúng ta vẫn còn rùng mình khi nghe chuyện. Nhà sử học Dương Trung Quốc đề xuất nên có một bia tưởng niệm gần 2 triệu đồng bào bị chết đói năm ấy. Một tấm bia, để tưởng nhớ dân tộc ta đã một thời sống như thế, mất độc lập, mất tự do và đói khát. Bia để nhắc nhở thế hệ ngày sau vươn lên tránh lặp lại. Có lẽ nào bị quên lãng mất rồi?

8. Hồi đầu năm nay Báo Tuổi trẻ có loạt bài về những người lính chiến trận Việt Nam ở Guyane , một vùng đất xa xôi ở Nam Mỹ. Đó là những người con Việt Nam chân chất bị tù tội của thực dân đày tới miền đất xa xôi, ngày đêm trong ngóng về quê hương. Mình còn nhớ đọc ở đâu đó những người lính bị Pháp bắt đưa đi lính trong chiến tranh thế chiến, rồi sống ở Nga, các anh không còn nhớ quê mình ở đâu, giờ đã về già sống trong sự nhớ thương đất nước. Rất nhiều rất nhiều hoàn cảnh như vậy, đất nước hiện lên trong mình bởi những hoàn cảnh thương tâm vậy. Đất nước của những người con vì hoàn cảnh phải đi xa một cách ép buộc, ngày đêm vẫn mong ngóng một ngày hội ngộ quê hương.

9. Gia đình mình có một người chú sinh ở Huế, trước năm 1975 là thuộc vào Việt Nam cộng hòa. Chú lớn lên được tiếp cận nền giáo dục ở Miền Nam này. Sau năm 1975 thống nhất đất nước, chú đi thăm ông anh, là một người lính quân đội nhân dân Việt Nam (cũng là một người chú khác của mình), tại một doanh trại quân đội . Lúc đó chú mang áo trắng, đi giày đen, bỏ áo vào quần lịch sự. Lúc chia tay, người chú bộ đội mới nói nhỏ, lần sau có thăm, thì đừng có mang áo quần như thế nữa, người ta dễ nghĩ là “tiểu tư sản”. Kể từ đó chú không gặp người chú bộ đội thêm một lần nào ở doanh trại nữa. Đến bây giờ, cả hai cũng đã già, bao thăng trầm qua đi, nhưng trong những lần cuộc gặp gỡ vẫn có chút gì đó ngượng ngập, chiếu lệ, những câu chuyện xung khắc, không ăn nhập. Những cuộc nói chuyện khi trà dư tửu hậu, vẫn có những khác biệt về chính kiến. Ýthức hệ, chiến tranh đã đẩy những người con trong một gia đình ra hai chiến tuyến, nói rộng ra là đẩy những người con hai miền thành đối địch nhau. Thật không có nỗi đau nào lớn hơn bằng sự chia cắt. Mọi mất mát thì cũng là người Việt mình đều thiệt thòi cả. Vết thương này có lẽ còn lâu mới lành lại được. Mình hi vọng với sự bao dung, cởi mở, chân thành của người Việt, mọi đối đầu, mọi quá khứ đau thương gác lại để cùng xây dựng một đất nước Việt Nam giàu mạnh …Đọc hồi ký của ông M. nghe ông ấy nói về cảm tưởng sau năm 1975, vào Sài Gòn, thấy đời sống ở Sài Gòn có vẻ giàu có hơn, nhưng cả một miền Nam vẫn là những người Việt, vẫn giữ, và nói tiếng nói Việt thân thương, với một âm sắc khác, nhưng vẫn là ngữ pháp, vẫn ngôn từ Việt. Ông thật cảm động. Lúc đó mình chưa sinh ra, nhưng chắc chắn mình cũng sẽ cảm động như ông nếu rơi vào trường hợp tương tự. Đất nước ta, đất nước của những bất đồng...

10. Cuối năm 2007, đầu năm 2008, lạm phát tăng cao. Dân tình xôn xao. Người thiệt thòi nhất là những tầng lớp dân nghèo và thu nhập thấp. Một báo cáo là hằng năm trưởng VN là 7 - 8%, là điều thần kỳ châu Á, đứng thứ 2 châu Á, được cả thế giới ca tụng, nhưng sự tăng trưởng ấy chưa thực sự đến với dân nghèo. Những người bạn của mình làm trong các lĩnh vực khác nhau, đều nói rằng nhiều người dân nước VN ta vẫn còn quá nghèo. Có nhiều người được hưởng lợi từ sự bùng nổ kinh tế, người ta giàu lên, có nhà lầu xe hơi, có tiền tài khoản ngân hàng, nhưng có đâu đó nhiều con người bị chệch bên lề chung của sự phát triển xã hội. Không đâu xa, ngay tại thành phố giàu có và phát triển nhất nước, chúng ta ra đường và chịu khó quan sát, sẽ thấy được sự khó nhọc của những chị bán rong, những lo lắng của các anh chạy xe ôm, sự thất thểu, vô tương lai bất định của những đứa trẻ vô gia cư. Chịu khó nhìn kỹ hơn nữa, sẽ thấy nhiều gia đình nghèo khó bất hạnh hơn chúng ta gấp nhiều lần. Nhiều khi nghĩ thật bất lực, vì mình chưa đủ khả năng để có thể giúp được nhiều người. Đất nước ta, đất nước của những người nghèo.

11. Mình đang sống trên thành phố HCM – Sài Gòn, nơi đây ngày xưa người ta gọi là “Hòn Ngọc Viễn Đông”, một chút tự hào, nhưng ngẫm nghĩ lại, sự hào nhoáng được mang lại chủ yêu bởi sự xâm lăng người Pháp trước đó và người Mỹ sau này. Sài Gòn hình thành cách đây 300 năm thôi, từ sự di cư của dân nhiều nơi trên đất nước Việt Nam này. Người Sài Gòn nói chung là cởi mở, nhanh nhạy, hướng ngoại. Mình đã chứng kiến nhiều bạn trẻ, từ khắp nơi đến sống và học tập và lập nghiệp ở đây. Mỗi người mỗi hoàn cảnh, không ai giống ai. Có người đang khó khăn, có người đã thành đạt. Mình luôn luôn đọc được trong tâm tư họ một niềm tin cao độ vào tương lai. Thỉnh thoảng mình đọc báo, viết về những người trẻ. Muôn hình muôn trạng. Có người ăn to nói lớn, có người trầm tính. Có người bộc phát, có người thâm trầm. Họ hoạt động trong nhiều lĩnh vực khác nhau. Nhưng nhìn nhận chung một điểm là họ thật háo hức với với nhiều dự định của chính bản thân. Đọc nhiều bản báo cáo thấy rằng mức độ tham nhũng, độ minh bạch tài chính, các chỉ số cạnh tranh khác..của VN đều đứng ở hạng bét thế giới. Có một chỉ số mà mình có thể tự hào; là chỉ số hạnh phúc, chỉ số lạc quan không phải cao nhất nhưng cũng dạng cao. Mình tự thấy người Việt mình sống thật lạc quan…Mà phải lạc quan chứ, đất nước của những người lạc quan…

12. Tí nữa là ra đường về nhà. Có thể mưa, có thể kẹt xe. Những lúc đó có thể mệt mõi, chán nản, có thể thấy vui. Quan trọng là được ngắm nhìn dòng người, hớn hở vội vã về nhà sau một ngày mệt nhọc. Thỉnh thoảng mình lại vui, chỉ vui thôi, chẳng biết vui gì. Nhìn họ, mình tin vào tương lai, tự thấy yêu người yêu đời hơn. Những lúc thế mình lại nghĩ, nghĩ nhiều, nhớ nhiều điều....

1 nhận xét:

  1. Hầu như tất cả những bài viết của tiên sinh đều từ hay đến rất hay

    Trả lờiXóa