Thứ Năm, 2 tháng 6, 2011

Trường Sa - Hoàng Sa là của Việt Nam!

Những ngày qua, một sự kiện khiến toàn thể dân tộc Việt Nam bất bình, là việc tàu hải giám Trung Quốc ngang nhiên cắt đường dây cáp của tàu Bình Minh 02 của Việt Nam trên hải phận Việt Nam. Trung Quốc đã từng bước có những hành động ngày càng hung hãn hơn trên Biển Đông mà đối tượng nhắm vào là Việt Nam: ban đầu là bắt bớ ngư dân, tiếp đến bắn vào ngư dân Việt Nam, kế tiếp cản trở tàu Việt Nam hoạt động kinh tế. Không biết bao giờ thị chúng gây chiến. Tham vọng vô bờ bến của nhà cầm quyền Trung Quốc muốn biến Biển Đông thành ao nhà của họ với cái luận thuyết 'đường lưỡi bò 9 đoạn" ngang ngược và không có căn cứ lịch sử.

Bộ mặt thật của chủ nghĩa bành trướng nước lớn Đại Hán từ xưa đến nay vẫn bộc lộ rõ. Có điều ngày nay nó được che đậy bởi những lời lẽ dối trá "trỗi dậy trong hòa bình" của giới lãnh đạo Trung Quốc, và "8 chữ vàng" trong quan hệ Việt Trung.

Mình đăng lại bài viết hồi năm 2007 nhân dịp biểu tình phản đối việc Trung Quốc hành chính hóa quần đảo Trường Sa.

Xin được lấy tựa đề một bài báo trên Tuổi Trẻ để đặt cho Entry này. Và đó cũng là một sự thật mà mọi người Việt đều tin như thế. Sự thật là thế, dù rằng thực tế có cách xa sự thật bao nhiêu, thì hãy tin rằng sự thật vẫn là sự thật.

Cả ngày hôm trước và hôm qua, Yahoo Messenger của tôi đầy rẫy tin nhắn của bạn bè khẳng định Hoàng Sa - Trường Sa là của Việt Nam. Và mọi người kêu gọi rằng hãy gởi tin nhắn này cho những người khác, như là một biểu hiện tấm lòng kiên định của bạn trước hành động ngang ngược của Trung Quốc.

Cũng trong chiều qua, một người bạn gởi cho tôi trang web "Ký tên vì công lý" để cộng đồng mạng bày tỏ chia sẽ quan điểm khẳng định rằng Trường Sa - Hoàng Sa là mảnh đất của cha ông chúng ta đã dầy công khai phá. Bất kỳ một sự tuyên bố chủ quyền nào với hai quần đảo này đều đi ngược lại với thực tế lịch sử và là sự xâm phạm chủ quyền một cách trắng trợn.

Việt Nam nằm kế cạnh ông kẹ của Châu Á và thế giới là Trung Hoa. Trung Hoa là nước lớn, có bề dày truyền thống lịch sử, là một trong những cái nôi văn minh của nhân loại, với mỹ danh là văn minh Trung Hoa. Tính ra dân số TQ hiện nay là gần 1 tỉ 3, trong khi đó Việt Nam chỉ là 85 triệu (gấp gần 15 lần). GDP của Trung Quốc năm 2006 lên gần tới 3000 tỉ USD (vừa vượt Anh để đứng hạng 4 thế giới), của Việt Nam năm 2006 là 60 tỉ USD, chỉ bằng 1/50 của Trung Hoa.

Trong mọi thời điểm trong lịch sử cũng như hiện nay, Việt Nam luôn là một nước "nhược tiểu" so với Trung Hoa. Chính vì vậy, giới thống trị của Trung Quốc luôn luôn tìm cách nhòm ngó mảnh đất nằm ở trời nam tuy nhỏ hẹp nhưng đầy tiềm năng. Thực tế, họ đã hơn 1000 năm độ hộ (thiên niên kỷ thứ nhất) nước ta, và trong thiên nhiên kỷ thứ hai, họ đã nhiều lần tìm cách thôn tính nước ta, nhưng chưa có lần nào trở thành hiện thực. Có thể nói, lịch sử trung đại hào hùng của Việt Nam, là lịch sử dựng nước và giữ nước trước một nước lớn luôn luôn có tư tưởng bành trướng là Trung Hoa.

Ngày nay cũng thế, tuy VN và TQ là 2 trong số 4 nước còn lại do Đảng Cộng Sản cầm quyền, và ở cấp cao, hai Đảng, hai Chính phủ luôn luôn luôn có những chuyến thăm viếng lẫn nhau, khẳng định “tình hữu nghị núi liền núi, sống liền sông”.
Bề ngoài là thế, nhưng TQ luôn luôn muốn nhòm ngó vùng lãnh hải biển Đông của Việt Nam, họ dần dần sử dụng sức mạnh quân sự, chiếm cứ đảo này tới đảo khác.
Năm 1974, lợi dụng sự rối ren của cuộc chiến tranh hai miền của VN, họ đã nổ súng vào Hoàng Sa chiếm cứ. Quân đội VNCH chống trả quyết liệt, nhưng cuối cùng bị thất thủ. 
Năm 1988, họ lại một lần nữa tấn công vào hải quân Việt Nam làm vài chục quân nhân hi sinh.
Năm 2005, họ đã nã súng vào dân thường đánh cá VN, mà họ cho là dã xâm phạm vào lãnh hải cùa họ.
Đỉnh điểm là vào những ngày gần đây, Quốc vụ viện TQ tuyên bố thành lập thành phố Tam Sa, để quản lý các quần đảo Trường Sa và Hoàng sa.

Chơi với vua, như chơi với hổ. Chơi với vua thì được nhiều cái lợi, được bảo về, được bổng lộc. Nhưng khi vua giận hoặc không hài lòng thì chết là cái chắc. VN ở gần Trung Quốc, về lý thuyết hiên nay là đồng cơ chế nhà nước, là anh em, vì cùng là chế độ CS lãnh đạo. Nhưng cũng như cha ông của họ, giới cầm quyền TQ luôn luôn tìm cách xâm lấn lãnh thổ của VN.
Vẫn biết rằng nước ta yếu, nhưng không có nghĩa không có sức mạnh. Nước yếu có thế của nước yếu. Lịch sử cho thấy, một khi nền độc lập hay lãnh thổ bị xâm phạm, thì lòng yêu nước của người Việt trào dâng mạnh mẽ hơn bao giờ hết, tạo thành một làn sóng mạnh mẽ, đập tan mọi kẻ thù (tổng kết của Bác Hồ).
Trong lịch sử VN, Nhật Bản, Triều Tiên.. luôn là những nước chư hầu của Trung Quốc. Trugn Quốc tự cho là Thiên Triều, còn những nước này là nhược tiểu, phải bắt nộp triều cống. Cải Cách Minh Trị giữa thế kỷ 19, kỳ tích Sông Hàn vào những năm cuối thế kỷ 20 đã biến nước Nhật và Hàn Quốc trở thành những nước công nghiệp tiềm lực kinh tế, quân sự vững mạnh (hơn cả Trung Quốc). Bởi vậy TQ luôn luôn cẩn thận không dám làm càn với hai anh này. Riêng với VN thì họ thấy mình yếu, nên không chút coi trọng. 
Hơn lúc nào hết, muốn giữ vững độc lập, có tiếng nói vững trong cộng đồng, trước hết phải vững mạnh về kinh tế, được như thế chẳng có nước nào dám coi thường, điều mà Nhật Bản và Hàn Quốc đã làm được

Lịch sử VN là lịch sử chiến tranh, hơn dân tộc nào hết, người Việt rất thấm thía được sự mất mát tổn thương do chiến tranh gây ra (2 ngàn năm chống phong kiến Trung Quốc, gần 100 năm chống Thực dân pháp, đánh đuổi giặc Mỹ, 30 năm nội chiến). Để có được hòa bình ngày hôm nay, thì VN đã trả giá rât nhiều, là máu, là tiền của mồ hôi nước mắt nhân dân, là hố sâu ngăn cách chính kiến, là cơ hội để phát triển kinh tế xã hội cơ hội phát triển ngang tầm với bạn bè thế giới.

Bởi vậy chiến tranh là không cần thiết, thực tế nhà nước VN cũng luôn luôn nhún nhường TQ, như Bác Hồ nói, chúng ta nhân nhượng để được hòa bình.
Nhưng, một sự nhún nhường nhân nhượng nào cũng có giới hạn, và vẫn đảm bảo quyền lợi ở mức chấp nhận được. Nhân nhượng không có nghĩa là mình lép vế, mà muốn giải quyết vấn đề ở mức hòa bình, thông hiển lẫn nhau hơn. Hi vọng Nhà nước ta tuy nhún nhường, nhưng vẫn tìm được ra cái "thế " của nước yếu để đối phó với mọi mưu đồ xâm lấn lãnh hải của giới cầm quyền Trung Quốc.
Biết bao giờ người Trung Quốc mới hiểu ra ý nghĩa của bài thơ mà người anh hùng dân tộc Lý Thường Kiệt đã sáng tác nhằm khẳng định chủ quyền:
"Nam quốc sơn hà Nam đế cư
Tiệt nhiên định phận tại thiên thư
Như hà nghịch lỗ lai xâm phạm
Nhữ đẳng hành khan thủ bại hư"

Dịch nghĩa Việt

"Sông núi nước Nam vua Nam ở
Rành rành sách trời chia xứ sở
Cớ sao lũ giặc sang xâm phạm
Chúng bay nhất định phải tan vỡ"

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét