Thứ Ba, 8 tháng 2, 2011

Kinh tế hài hước...


Ấn tượng ban đầu của cuốn sách: nguồn nguộn những nhận định rất đời thường, gây ngạc nhiên; đầy rẫy số liệu và cách lý giải hiện tượng xã hội rất hợp lý tình. Những nhận định như: nhà lãnh đạo là những người gian lận nhiều hơn? Tại sao bị phạt lại làm cho người ta phạm lỗi nhiều hơn? Tại sao người ta gian lận? Và, bản tính thiện là một bản tính khởi nguồn của con người…khiến bất kỳ ai cũng tò mò. “Kinh tế hài hước” không đế nỗi quá dày (chỉ độ gần 400 trang sách khổ trung). Sách do Stephen J. Dubner. Steven D. Levitt , nhà kinh tế học [được giới thiệu là] trẻ tuổi xuất chúng của nước Mỹ chấp bút. Bìa trước bìa sau, lẫn những trang đầu đều là những lời giới thiệu có cánh của các tờ báo lớn, dĩ nhiên là để sách bán chạy, phần nào đó làm người đọc cũng cảm thấy háo hức.
Chúng ta đều biết ngành Kinh tế học là ngành học khô khan, chi chít những con số, những lý thuyết, nếu không có một kiến thức nhất định về toán học, về kinh tế căn bản chúng ta khó có thể hiểu được. Đó là những lý thuyết được viết bởi các nhà kinh tế học hàn lâm. Nhưng Levitt có cách tiếp cận khác, anh đi thẳng vào cái mục đích tận sâu của Kinh tế học là giải thích cách mà mọi người có được cái họ muốn. Anh tò mò, quan sát, thu thập dữ liệu hàng năm trời, để đưa ra những hiện tượng kinh tế xã hội đang vận hành thông qua những con số và khám phá ra những quy luật mà mọi người không ngờ tới. Những quy luật đó có vẻ như đời thường, và có chút hài hước, tầm thường. Có lẽ vì thế mà anh đặt tên là “Kinh tế học hài hước” theo nghĩa tiếng Anh là Freakonomics. Và mọi điều dần sáng tỏ dưới những diễn giải cặn kẽ tỉ mĩ, và logic của tác giả thông qua những quá trình hình thành hiện tượng, những khía cạnh được chỉ mặt điểm tên thông qua những phân tích dựa vào những con số thu thập được.
Có thể nói: đạo đức học là thể hiện cách mà người ta muốn thế giới vận hành. Trong khi đó, kinh tế học lại là thể hiện thực sự cách mà thế giới vận hành. Rút cuộc, kinh tế học bùng nhùng những thứ như: việc làm, tiền tệ, chứng khoán, đầu tư, tăng trưởng. Nhưng nếu biết cách chung ta có thể áp dụng những công cụ đơn giản của Kinh tế học vào những công việc thú vị hơn.
Theo đó, Kinh tế học hài hước với quan điểm chỉ ra một vài ý tưởng mà thế giới thực sự vận hành, với các ý tưởng chính sau:
1.       Động cơ, là hòn đá tảng, là căn bản với mọi hành động trong cuộc sống. Theo ý nhà Phật nói, nhân nào thì quả ấy. Động cơ, giống như là nhân, động cơ nào thì sẽ thể hiện kết quả vậy. Động cơ thực sự là yếu tố để giải quyết mọi hiện tượng diễn ra: bạo lực, gian lận thể thao hay hẹn hò qua mạng…
2.       Có thể lấy một ví dụ mang tính hài hước sau: Một nhà giữ trẻ quy định 5h là phụ huynh bắt đầu đón con, thực tế có vài phụ huynh tới đón con trễ. Nhà trường rất phiền hà về chuyện này và quyết định: nếu mỗi phụ huynh đón con trễ thì sẽ bị phạt 3 đô la cho mỗi 30 phút. Kỳ lạ là từ khi có luật đó, tình hình phụ huynh đón con trễ không giảm mà có chiều hướng tăng thêm.
Lý giải điều kỳ lạ này, người ta dựa vào động cơ: động cơ cố gắng tới đón con đúng giờ là “động cơ đạo đức” trong khi đó, động cơ này được thay bằng một “động cơ tiền bạc” khi nhà trường đưa ra chính sách phạt tiền. Khi động cơ thay đổi thì kết quả thay đổi. Thực sự là mỗi phụ huynh cảm thấy yên tâm tới trễ hơn khi đã bị nộp phạt, còn hơn là bị vướng vào cái động cơ đạo đức, do đó người ta ít nỗ lực đến đón con đúng giờ hơn.
3.       Những nhận thức thông thường thường sai. Do đó người ta phải giải thích một hiện tượng xảy ra không bằng một nhận thức thông thường ví dụ, người ta thường cho rằng uống 8 ly nước là làm cho người khỏe ra, thực sự điều này chưa bao giờ đúng. Vậy nên, chúng ta phải thực sự nhìn thấy những bản chất sâu xa của vấn đề, tránh bị vấp phải cái bẫy “nhận thức thông thường”.
4.       Do đó, nhiều khi một hiện tượng xảy ra bắt đầu từ một nguồn gốc sâu xa.
5.       Chuyên gia dù là gì đi nữa, thì cũng luôn lấy thông tin để phục vụ cho mục đích của chính họ.
6.       Biết rõ cái gì và phải đo lường thế nào trong một thế giới phức tạp để có những cách nhìn giải quyết thế giới đơn giản hơn.
Dựa vào quan sát, thu thập số liệu, và phân tích, tác giả đã đưa ra những kết luận ngạc nhiên: người giáo viên chấm bài và đô vật Sumo giống nhau ở chổ nào? Đó là cùng giống nhau ở chổ gian lận. Đông cơ: thành tích. Những con số không bao giờ biết nói dối, và sự thực bằng cách nghiên cứu những con số khách quan, tác giả đã rút ra những nguyên tắc để nhận biết gian lận một cách rõ ràng. Nhưng tại sao mà người ta gian lận, và gian lận bằng cách nào?
Tác giả của câu chuyện “Người bán chiếc bánh vòng”, Feldman đã có giải thích cho hiện tượng cao siêu này. Feldman là người bán bánh vòng tự động. Ông cung cấp bánh vòng cho các tòa nhà văn phòng nhiều nhân viên và họ phải trả tiền một cách tự giác. Dựa vào số lượng bánh vòng bán ra và số tiền thu về, Feldman đã có những kết luận về những quy tắc gian lận. Ông đơn giản lấy tỉ lệ của tổng số chiếc bánh vòng thu được tiền và tổng số bánh vòng bán ra và thông qua cái tỉ lệ đó để kết luận việc tăng hay giảm gian lận. Mà đây là kết luận về sự gian lận của giới “cổ cồn trắng” – tức giới văn phòng, mà đa phần các bạn đọc đây là một thành viên trong đó. :D
- Các công ty nhỏ thường ít gian lận hơn các công ty lớn. Cũng giống như ở nông thôn sẽ ít tội phạm hơn một lý do là ở các công ty lớn sẽ ít bị phát hiện hơn nên dễ phạm tội hơn.
- Tình trạng thời tiết cũng ảnh hưởng đến độ trung thực: thời tiết dễ chịu làm người ta dễ dàng trung thực hơn, thời tiết khắc nghiệt như nắng nóng, lạnh khiến người ta dễ gian lận hơn. Những ngày nghỉ chỉ đơn thần là có số ngày nghỉ thì ăn gian ít hơn là những ngày nghĩ kèm theo lễ hội, người ta bị nhiều mối lo toan và mong chờ từ người thân.
- Feldman cũng đưa ra một số kết luận về gian lận (đạo đức) và vị trí cấp bậc trong tổ chức. Ông thấy, người giữ chức vụ cao hơn là người gian lận nhiều hơn. Có lẽ điều này là do tính thái quá về quyền của người lãnh đạo.
- Nhưng một kết luận quan trọng mà Feldman khẳng định có tính triết học: phần lớn người ta không ăn gian, ngay cả khi không có người giám sát. Khổng Tử nói: “nhân chi sơ, bản tính thiện”. Hay Socrates nói là: con người bản tính lương thiện ngay cả khi không có quy định ràng buộc. Như vậy, về mặt tin tưởng vào tính thiện con người, Feldman đã có được con số là ít nhất 87% người ta trung thực một cách tự nhiên. Ngạc nhiên không?.
Còn rất nhiều những phân tích logic, lý giải mang tính hài hước nhưng đúng đắn của các hiện tượng xã hội đã xảy ra như chuyện về băng đảng 3K phân tích mối quan hệ giữa thông tin thực và thông tin đại chúng và tác động của thông tin. Phân tích những đứa trẻ bán ma túy tại sao không sống cùng mẹ để đưa tới một kết luận là trong một môi trường khắc nghiệt, thậm chí ban đầu kiếm lợi ích ít ỏi nhưng vẫn có hàng ngàn hàng vạn kẻ đâm đầu vào để ước một ngày nào đó leo lên đỉnh quyền lực (mô hình kim tự tháp), động cơ về một mối lợi lớn khi mà chi phí bỏ ra ít thì có nhiều người cùng đâm đầu vào.
Có một khái niệm mà tác giả cũng đưa vào là “nhận thức thông thường”. Đây là khái niệm để chỉ chúng ta thường gắn liền chân lý với những gì thuận tiện, dễ dàng, những tương đồng phù hợp với cá nhân gắn liền với lợi ích chúng ta tránh gây phiền toái vốn trong một cuộc sống phức tạp. Như vậy “nhận thức thông thường” cũng không bao giờ đúng và cũng không hẳn là sai. Trong mỗi trường hợp thì con số thống kê sẽ nói lên tất cả.
Nói chung, đọc “Kinh tế hài hước” để thấy được những gốc khuất của cuộc sống, và thực tế cuộc sống đang diễn ra dưới lăng kính của những phương pháp đo lường kinh tế đơn giản. Từ đó chúng ta sẽ phát hiện ra những bất ngờ thú vị trái với “nhận thức thông thường”.

Kinh Tế Học Hài Hước
Nhà xuất bản: Nxb Tri Thức

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét