Thứ Bảy, 23 tháng 10, 2010

Vài suy nghĩ khi xem Cánh đồng bất tận - Đường Sơn đại địa chấn

Phim Cánh đồng bất tận với những cảnh quay sông nước đồng
ruộng miền Tây rất đẹp
Cánh đồng bất tận (CĐBT) - truyện vừa của nhà văn Nguyễn Ngọc Tư -  được rất nhiều người ưa thích. Câu chuyện đời của gia đình ông Võ và cô gái điếm Sương, trên bối cảnh sông nước mênh mông với những cánh đồng bất tận miền Tây khiến người đọc xúc động mạnh đã để lại những dư âm ám ảnh. Cuộc sống sông nước của người miền Tây được thể hiện thật buồn, thật ảm đạm, những hoàn cảnh đau thương khiến người đọc ngỡ ngàng vì tính chất quyết liệt trong thể hiện hiện thực của tác giả.

Đạo diễn Nguyễn Phan Quang Bình đã đưa tác phẩm  này lên màn ảnh rộng với những diễn viên nổi tiếng: Dustin Nguyễn,  Đỗ Hải Yến, Tăng Thanh Hà...khiến khán giả yêu điện ảnh háo hức đón chờ. Thật tình tớ cũng ít đọc Nguyễn Ngọc Tư nhưng rất thích CĐBT, vì đây là một tác phẩm gần như hoàn mỹ, nếu xét về mặt nghệ thuât văn học lẫn những tư tưởng (tạm gọi là thế).


Tớ chủ ý chọn xem "Đường Sơn đại địa chấn" (ĐSĐĐC ) - một siêu phẩm của điện ảnh Trung Quốc của đạo diễn nổi tiếng Phùng Tiểu Cương - trước ngày công chiếu CĐBT cũng như là một trải nghiệm để làm một phép so sánh, dù có phần khập khiễng giữa phim truyện Việt Nam và phim truyện Trung Quốc - vốn đã quá nổi tiếng trên trường quốc tế.

Phim Đường Sơn đại địa chấn của Phùng Tiểu Cương 






Câu chuyện động đất, và những dư chấn của nó tại Trung Quốc xa xôi tác động đến người Đường Sơn - khiến người xem xúc động, rơi lệ. CĐBT cũng xúc động không kém. Cũng lấy đi nước mắt của không biết bao khán giả và đọng lại trong tâm tưởng họ những dư vị không thể quên. Nếu ĐSĐĐC xúc động chính bởi vì câu chuyện mất mát tình thân, những dằn vặt đớn đau  không thể lành lặn của con người vốn nhỏ bé trước thiên nhiên sau thiên tai, thì CĐBT lại mô tả những số phận nhỏ bé, đáng thương, những cuộc gặp gỡ giữa những con người đáng thương đó giữa những cánh đồng hoang vu, rộng lớn của miền Tây. Họ âm thầm buồn tẻ, sống dằn vặt bởi những lỗi lầm, họ không chịu cởi mở cuối cùng chịu một kết cục buồn thảm.

Xét ra, những người làm phim CĐBT đã thành công, không thua kém đoàn làm phim của đạo diễn Phùng Tiểu Cương bao nhiêu. Nếu câu chuyện ĐSĐĐC mang tính phổ quát, thì câu chuyện trên những cánh đồng cũng thể hiện những cái nhìn ấm áp thấu hiểu trước những số phận hẩm hiu, bất hạnh. Cả hai là những tiếng lòng cảm thông san sẻ của những con người với nhau.

Không đồ sộ , hoành tráng như ĐSĐĐC, CĐBT cuốn hút người xem bởi những cảnh quay cảnh vật miền Tây rất đẹp. Nền âm nhạc thể hiện được cái u buồn da diết thường xuất hiện từ đâu trong tận đáy sâu của người ta khi phải ngồi trên một chiếc ghe lênh đênh trên những con rạch, con kinh, con sông đỏ ngầu phù sa. Những cánh đồng xen lẫn tiếp nối, không biết mang chúng ta về đâu như sự mong manh không lối thoát của những số phận đáng thương trong phim.

Phim này các diễn viên đều tròn vai. Dustin Nguyễn thể hiện được cái lầm lỳ, cộc cằn, buông xuôi, hận đời, hận tất cả vì gặp một sự đả kích quá lớn: người vợ mà ông hết mực yêu thương đã từ bỏ ông và những đứa con ra đi. Nhưng có lẽ tận sâu trong trái tim ông cũng muốn sống yên bình bên những đứa con, nuôi chúng lên người, càng định hình rõ bởi sự xuất hiện của cô gái Sương. Nhưng nỗi đau quá lớn, ông chẳng đủ dũng cảm để quên hết và sống gần gũi hơn với các con. Nỗi bất hạnh của con ông như gánh hết tội lỗi của ông.

Đỗ Hải Yến thể hiện rất đạt cô gái điếm phóng túng, nhưng cũng đầy tình người, và đầy lòng tự trọng. Cảnh cuối vì lời nói xúc phạm của ông Võ mà Sương từ giã bố con họ đi Đỗ Hải Yến diễn rất đạt. Một tâm trạng bâng khuâng, không đành lòng nhưng rút cuộc cũng phải cất bước. Lan Ngọc (vai Nương) thể hiện đạt người con gái bất hạnh của ông Võ cũng là người dẫn phim luôn mang mác buồn với suy tư vì sự mất mát, đau khổ đến với cuộc đời cô khi cô còn quá trẻ...

ĐSĐĐC chưa thể xem là một phim nghệ thuật. Câu chuyện xúc động, diễn viên tốt, nhưng cách thể hiện câu chuyện quá đơn giản. Có lẽ, đạo diễn Phùng Tiểu Cương đã sử dụng cách kể chuyện thật truyền thống. CĐBT cũng không có đột phá mới trong cách thể hiện: câu chuyện vẫn diễn ra xuôi chiều, ít những chi tiết hình ảnh mang tính điện ảnh đắt giá. Hai bộ phim gặp nhau ở một điểm, các đạo diễn đã cố gắng kể lại câu chuyện một cách gần gũi, dễ  hiểu và gây xúc động nhất. Theo tớ, câu chuyện CĐBT vẫn cô động, và sâu sắc hơn ĐSĐĐC cả trong nội dung lẫn cách thể hiện ngôn ngữ điện ảnh

Xem ra, Điện ảnh Việt Nam chắc chắn có khả năng làm những bộ phim chất lượng. Chúng ta có bề dày văn hóa, truyền thống phong phú, chúng ta có những câu chuyện hay mang chất điện ảnh, và cũng có những diễn viên, đạo diễn tốt. Cái thiếu, có lẽ là một cú hích lớn, và một sự vững chãi, một tự tin từ những người trong nghề.

4 nhận xét:

  1. có lẽ m phai tự đi xem hai phim này thôi h ạ!

    Trả lờiXóa
  2. Xem bài của anh, thấy phim hay lên tí. Thật ra em thấy phim hơi dàn trải, "hiền" quá, giống phim truyền hình hơn là điện ảnh.

    V.Hoài

    Trả lờiXóa
  3. Giá như có vài đoạn đạo diễn làm đúng theo truyện gốc thì có lẽ dành cảm xúc sâu hơn. Nỗi đau đã ít nhiều được giảm bớt khi lên phim. Chứ lúc em xem truyện em còn thấy nặng trĩu hơn cả trên phim.

    Trả lờiXóa